Chia sẻ với:
Nuôi cá trên lòng hồ sông Đà: Hiệu quả cao nhờ khai thác đúng hướng
Với nhiều lợi thế và tiềm năng, nhiều hộ dân trên lòng hồ sông Đà và các công ty khai thác nuôi trồng thủy hải sản đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nuôi cá trên lòng hồ sông Đà.
Nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đang đem lại hiệu quả cao cho cả người dân lẫn doanh nghiệp
Tiềm năng lớn
Theo thống kê, hồ chứa thủy điện sông Đà có tổng diện tích mặt nước 16.800 ha, thuộc địa phận hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La, trong đó, địa phận Hòa Bình 8.892 ha. Hồ có lưu vực rộng lớn, môi trường trong sạch, nguồn lợi phong phú và giàu dinh dưỡng, thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng với các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.
Với những tiềm năng như vậy, đây được coi là kho tàng quý báu về thủy sinh vật và nguồn lợi thủy sản đặc trưng của vùng Tây Bắc. Ngoài ra, trên địa bàn địa phương này còn có hàng trăm hồ chứa thủy lợi rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng bè.
Thống kê từ Chi cục Thủy sản Hòa Bình, tỉnh này có trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thủy lợi, thủy điện. Ông Hoàng Văn Son (Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản) cho biết, trong nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ngành thủy sản, tỉnh Hòa Bình rất quan tâm đến việc thu hút các DN đầu tư phát triển nuôi cá lồng bè trên hồ chứa sông Đà.
Đây được coi là giải pháp đột phá nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh đối với các sản phẩm chăn nuôi thủy sản có ưu thế và khả năng cạnh tranh cao. Định hướng xuyên suốt là phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Ông Son cung cấp thêm, trước đây, việc nuôi thủy sản chủ yếu do các hộ dân sống quanh lưu vực hồ với các đối tượng nuôi truyền thống, giá trị thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thêm vào đó, con giống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, quy mô nuôi nhỏ lẻ, lồng bè thô sơ chưa có sự đầu tư bài bản tương xứng với tiềm năng to lớn của nghề này.
Tạo đà cho những thành công trong tương lai
Theo thống kê từ Chi cục thủy sản Hòa Bình, từ trước đến năm 2013, toàn địa phương này có khoảng 1.250 lồng bè nuôi cá. Kể từ năm 2013 đến nay, số lượng lồng cá không ngừng tăng lên. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 4.050 lồng, tương đương 220 nghìn m3, tổng sản lượng đạt 7.700 tấn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động.
Tham gia nuôi cá lồng hiện nay không chỉ là những hộ dân ven hồ mà đã có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Hòa Bình có 35 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên vùng hồ sông Đà.
Trong số này, phải kể đến Cty CP Cá sạch Sông Đà đầu tư nuôi cá lăng vàng, trắm đen mỗi tháng cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 35 tấn cá thịt. Công ty Thủy sản Hải Đăng đầu tư 180 lồng cá, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 30 - 40 tấn cá thịt các loại. Cty Việt Đức đầu tư trên 70 tỷ đồng nuôi cá tầm trong lồng...
Tổng số vốn do các DN đầu tư vào nuôi cá lồng trên hồ chứa sông Đà ước đạt trên 500 tỷ đồng. Theo một DN tại đây, việc nuôi cá lồng đang đạt hiệu quả tốt. Nếu quản lý, chăm sóc đầy đủ, mỗi lồng nuôi cá có thể cho lợi nhuận từ 30 - 40% sau trừ chi phí. Chính vì vậy, hiện nay các DN đã mở rộng quy mô sản xuất, đối tượng nuôi là các loài cá đặc sản như chiên, lăng, tầm, bỗng, trắm đen... cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Hiện, trên toàn bộ lòng hồ sông Đà, sản lượng thủy sản ước đạt khoảng 7,2 nghìn tấn, trong đó nuôi trồng 5,6 nghìn tấn.
Các hình thức nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ hiện nay phát triển khá đa dạng, trong đó, diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh có xu hướng tăng. Riêng đối với nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa, qua khảo sát thực tế cho thấy phương thức nuôi chủ yếu hiện nay là quảng canh cải tiến, đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm cỏ, trôi, mè, chép, rô phi đơn tính, chim trắng... chiếm khoảng 80 - 90% sản lượng và diện tích nuôi.
Trong khi đó, các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, lăng, trắm đen, điêu hồng, chép V1, ba ba..., diện tích và sản lượng nuôi mới chỉ chiếm từ 10 - 20%. Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ chú trọng phát triển các đối tượng này theo hình thức nuôi lồng bè thành các vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn và hiệu quả kinh tế cao, từ đó tạo sức bật mới trong chiến lược phát triển sản xuất ngành thủy sản.