Khả năng áp dụng công nghệ và lợi nhuận thu được từ hệ thống nuôi ghép tôm càng –cua lông nước ngọt đầy triển vọng.
Tôm càng (Macrobrachium nipponense) có nguồn gốc từ Trung Quốc, là loài tôm thương phẩm quan trọng, phân bố rộng rãi ở các vùng nước ngọt và cửa sông có độ mặn thấp. Đây là loài có khả năng chịu đựng cao trong các môi trường khác nhau, khả năng sinh sản cao, hiện được coi là một trong hai loài tôm nuôi quan trọng nhất trong nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc.
Tôm càng có thể được nuôi trong một hệ thống nuôi đơn hoặc trong một hệ thống nuôi ghép cùng với nhiều loài cá hoặc động vật giáp xác khác bao gồm cả cua. Trong đó, cua cà ra (Eriocheir sinensis) là một loài cua lông nước ngọt bản địa phân bố rộng rãi khắp khu vực phía đông của Trung Quốc. Năm 2018, sản lượng của nó đạt hơn 756.800 tấn, chiếm khoảng 22% tổng số loài giáp xác được nuôi trong nước đem lại 10 tỷ đô la lợi ích kinh tế mỗi năm.
Trong nhiều trường hợp, nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, nông dân nên phát triển hệ thống nuôi ghép để nâng cao năng suất cũng như tiếp tục duy trì sinh kế của họ, đặc biệt ở nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, các loài “ứng cử viên” cho mô hình nuôi ghép là một điểm quan trọng cần xem xét kĩ lưỡng.
Ngoài ra, người nông dân có thể tăng năng suất và lợi nhuận của họ thông qua việc áp dụng các công nghệ mới. Các phương pháp cải tiến như mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, sử dụng phân bón có thể phân hủy sinh học, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, hệ thống công nghệ sinh học biofloc (BFT), hệ thống tuần hoàn, chế phẩm sinh học, v..v.. Tuy nhiên, hầu hết nông dân có xu hướng sử dụng các kỹ thuật nuôi truyền thống. Điều này đặt ra câu hỏi là làm thế nào người nông dân có thể cải thiện phương thức nuôi tôm, cua hoặc các loài khác để đạt được nhiều lợi nhuận hơn nữa?
Do đó, nghiên cứu được thực hiện để xem xét, xác định các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ mới vào hệ thống nuôi ghép tôm càng - cua lông nước ngọt và phân tích lợi nhuận kinh tế của mô hình này.
Dữ liệu cũng như những thông tin cần thiết được thu thập thông qua các chuyến thăm khảo sát thực tế tại ba quận thuộc tỉnh Anhui, Trung Quốc từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020. Những người được hỏi đều là nông dân, chủ sở hữu các trang trại cá nhân của họ, hoặc các trang trại thuộc một nhóm cá nhân mà họ đặc biệt chịu trách nhiệm.
Kết quả phân tích chứng minh rằng mô hình nuôi ghép tôm càng – cua lông nước ngọt đem lại lợi nhuận đáng kể, giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm thiểu tác động sinh thái, cải thiện năng suất và chất lượng nước góp phần đa dạng hóa sự bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Những đề xuất được khuyến nghị để thúc đẩy nông dân đổi mới công nghệ nuôi trồng thủy sản và áp dụng nó bao gồm
(1) Khuyến khích nông dân mua bảo hiểm có thể giúp giảm mức độ phức tạp hiện tại và nhận thức rủi ro tương đối về công nghệ khi họ cần quyết định và đầu tư vào nó;
(2) Tăng cường sự hỗ trợ, chính phủ không chỉ nên tăng cường hỗ trợ tài chính cho nông dân mà còn phải quan tâm hơn đến việc cấp vốn cho các tổ chức khuyến nông nuôi trồng thủy sản nông thôn;
(3) Đầu tư vào giáo dục đại học nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy lĩnh vực này. Trong tương lai, ngành nuôi trồng thủy sản sẽ cần giới thiệu một số lượng lớn nhân tài trẻ và có trình độ học vấn cao để tạo nên sức sống cho ngành;
(4) Khu vực tư nhân cũng nên khuyến khích nông dân tiếp cận nhanh hơn với các công nghệ mới.
Nhìn chung, nuôi trồng thủy sản vẫn được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 tiếp tục chi phối triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc phát triển hơn nữa các công nghệ quan trọng và tăng cường hỗ trợ của chính phủ là quan trọng để giải quyết các vấn đề trong tương lai và cũng để cải thiện lợi nhuận nuôi trồng thủy sản.