Chia sẻ với:
Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc
Từ một tài liệu nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, ông Lê Minh Chính - Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ (Hang Dơi, Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã áp dụng thành công đem lại hiệu quả. Cơ sở của ông đã trở thành nơi tham quan, học tập của học viên nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Hiệu quả vượt trội
Sau thành công liên tiếp từ các vụ nuôi theo công nghệ mới, hiện nay, ông Chính tiếp tục mở rộng diện tích vùng nuôi lên 2ha. Ông là một trong những người đi đầu phong trào nuôi tôm công nghiệp tại khu vực Hang Dơi, Ninh Phú, nơi trước đây phát triển Dự án 773 (Chương trình khai thác, sử dụng đất hoang hóa ven biển). Tuy nhiên, ông cũng như những hộ khác trong khu vực nhanh chóng đối mặt với bệnh chết sớm trên tôm bùng phát mạnh từ những năm 2010. Đang loay hoay tìm hướng đi thì ông may mắn có được tài liệu dịch của Tiến sĩ Hoàng Tùng (nguyên giảng viên Trường Đại học Nha Trang) về mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, trợ giúp của các chuyên gia, ông đã áp dụng mô hình này từ năm 2014.
Sau 3 năm áp dụng, công nghệ này đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Bình quân 3 ao nuôi (tổng diện tích 6.600m2), mỗi vụ ông thu 50 tấn tôm thương phẩm, năng suất đạt 75 - 78 tấn/ha/vụ. Đây là một con số trong mơ của nhiều người nuôi tôm hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường nuôi ngày càng trầm trọng.
Vệ tinh của Dự án Nguồn lợi ven biển…
Theo tài liệu của Tiến sĩ Hoàng Tùng, cơ sở khoa học hình thành công nghệ Biofloc chính là các hạt floc. Hạt floc là khối kết dính của các loại vi khuẩn, tảo, động vật nguyên sinh, sinh vật khác và các mảnh vỡ các phân tử hữu cơ từ tế bào chết. Chúng được xem như một nhà máy vi sinh độc đáo gồm các phân tử giàu dinh dưỡng, có khả năng tồn tại lơ lửng trong môi trường nước nghèo dinh dưỡng. Hệ thống này giúp tối ưu hóa tiềm năng của các quá trình vi sinh diễn ra trong ao. Phương pháp này không thay nước, chỉ cấp bù và phát huy các yếu tố tích cực về môi trường khiến hệ thống biofloc ngày càng được phổ biến rộng rãi, nâng cao an toàn sinh học, hạn chế tối đa sự nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh từ các dòng vi rút hoành hành trên tôm nuôi.
Ông Trần Thanh Phong - trợ lý kỹ thuật Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ cho biết, hiện nay, việc áp dụng đầy đủ mô hình Biofloc (chỉ phát triển vi khuẩn dị dưỡng, không dùng tảo) còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trình độ tạo floc đòi hỏi nhiều yếu tố về công nghệ và tài chính nên mô hình bán Biofloc hay Semibiofloc tỏ ra hiệu quả hơn (70% vi khuẩn dị dưỡng, 30% tảo). Hiện nay, công ty đã chủ động sản xuất được các chế phẩm áp dụng cho công nghệ Biofloc với các tên gọi như: EMG, Chính Floc… “Công nghệ Biofloc là công nghệ nuôi nước, giữ cho môi trường bền vững, ổn định giống hệt ngoài tự nhiên, đủ sức kiểm soát các yếu tố bất lợi, kiềm chế dịch bệnh, giúp tôm nuôi mau lớn, floc cũng là nguồn thức ăn cho tôm. Tuy nhiên, hiện nay, giá thành của công nghệ này còn cao, nếu đầu tư đầy đủ, 1ha tốn kinh phí 1,5 tỷ đồng nên chưa thể áp dụng rộng rãi đến hộ”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, hiện nay Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ là vệ tinh của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CSRD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, công ty đã mở 5 lớp (20 - 25 học viên/lớp) chủ yếu từ Dự án CSRD các tỉnh, thành duyên hải trong cả nước. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ tư vấn trực tuyến cho những nông dân có nhu cầu.
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc là phương pháp mới, đem lại hiệu quả cao, dựa trên việc nuôi nước, tạo floc, trên địa bàn tỉnh lần đầu áp dụng tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ. Chúng tôi đang theo dõi và dự kiến sẽ xây dựng một số mô hình, nhân rộng để nông dân học tập, tham quan. Công nghệ này tỏ ra phù hợp với các vùng nuôi tôm trên bạt có đầu tư lớn như vùng nuôi Vạn Thọ, Đầm Môn (huyện Vạn Ninh). Nếu áp dụng theo mô hình này sẽ giảm được ô nhiễm, phát triển diện tích nuôi tôm bền vững. |