Một trong những lí do mô hình trở thành xu hướng tất yếu chính là sự gần gũi với thị trường, khả năng cung cấp sản phẩm tươi sống đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó mô hình sẽ giảm đi các trung gian về đông lạnh trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt hơn xu hướng này sẽ phù hợp với các quốc gia thiếu đất canh tác, thiếu nguồn nước thích hợp mặc dù các điều kiện còn lại đều rất thỏa mãn.
Thực tế, nuôi tôm trong hệ thống bể không phải là một khái niệm mới lạ. Năm 2004, Baron Sevilla và cộng sự đã công bố kết quả thí nghiệm nuôi tôm trong hệ thống RAS (hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín). Mô hình nuôi trong hệ thống có tổng thể tích là 11m3 và gần phân nữa là trong bể nuôi. Sau 5 tháng, thu hoạch khoảng 10kg tôm/m3.
Ở những hộ nuôi quy mô nhỏ, họ áp dụng cả phương pháp RAS và Biofloc. Tỉ lệ thu hoạch trong hệ thống RAS ở Mỹ trung bình từ 4-7 kg/m3. Trong giai đoạn ương, mật độ nuôi là 2000-3000 con giống/m3 và khi tôm đạt khoảng 1g (1000 con/m3) thì chuyển sang bể nuôi thương phẩm với mật độ là 250 con/m3, tỉ lệ sống đạt gần 80%. Với sự biến động về số lượng, Biofloc được áp dụng thêm nhằm tối ưu hóa FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn). Như vậy hệ thống này đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, dễ quản lí, chất lượng nước cũng được giữ ngày qua ngày. Tuy vậy, khả năng dễ tổn thương từ sự cố máy móc, an toàn sinh học cũng là vấn đề đáng quan tâm của nuôi tôm trong hệ thống bể.
Biofloc, một phương pháp quản lí chuyên sâu có thể thay thế cho RAS trong các mô hình nuôi bể bằng cách nuôi quần thể vi khuẩn chung nguồn nước với nuôi tôm nhằm xử lý chất thải trong nước và cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng. Chúng ta có thể kết hợp cả 2 phương pháp, nhưng thực tế việc kết hợp không phổ biến mấy. Một thí nghiệm kết hợp của 2 phương pháp trên cho kết quả như sau: thả 500 giống/m3, sản lượng 2.7 kg/m3 tại 60 ngày nuôi (FCR là 1.1, tỉ lệ sống là 78% và trọng lượng trung bình là 7g) và 4.2 kg/m3 vào ngày thứ 84 (FCR 1.54, tỉ lệ sống 70%, trọng lượng trung bình 12.06 g).
Các vấn đề thường gặp trong nuôi tôm hệ thống bể
Khi áp dụng nuôi bằng mô hình này, người nuôi sẽ gặp các câu hỏi như: kĩ thuật như thế nào, chi phí và vốn ra sao, con giống, sự phân phối điện năng và chất lượng nước,… và câu trả lời thì hoàn toàn khác nhau ở mỗi vùng, chúng phụ thuộc vào các dự án đã được phát triển tại khu vực đó để có số liệu cụ thể nhất.
Tại Indonesia, công nghiệp nuôi tôm quy mô nhỏ đều có định mức. Ridwan Latif và đồng sự đã thực hiện nuôi tôm trong hệ thống RAS quy mô nhỏ với mật độ giống là 400 con/m3, tỉ lệ sống là 70%, FCR là 1-1.11. Như vậy tỉ lệ giữa lợi nhuận và chi phí là 1.56, tỉ lệ hoàn vốn là 32.66% và tỉ lệ doanh thu/ chi phí là 1.49.
Cũng như các hệ thống RAS và Biofloc khác thì yêu cầu thiết nhất của hệ thống là sục khí, nguồn điện phải liên tục và thiết kế dụng cụ phải phù hợp với kiểu bể nuôi. Sục khí sẽ ngăn chặn việc lắng tụ của các chất rắn và luôn giữ DO trên 5ppm, với khoảng 200 dòng khí/phút cho mỗi kg thức ăn. Ở vùng ôn đới, việc duy trì nhiệt độ ở 27oC thể hiện sự cân bằng về chi phí nhiệt, sự tăng trưởng và giảm stress. Máy bơm nhiệt nối đất hoặc máy nước nóng có vòng PEX sẽ luân chuyển nước ấm qua các ống chìm. Độ mặn 20ppt (20 phần nghìn) giúp cân bằng chất lượng nước, sức khỏe tôm và chi phí vận hành. Chúng ta có thể hòa muối cùng một số hỗn hợp nguyên liệu khác sẽ rẻ hơn gói hỗn hợp có sẵn.