Sự phổ biến của tôm trong các món ăn thịnh hành dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững của hoạt động nuôi hoặc đánh bắt tôm. Đánh bắt nhầm là vấn đề khi ngư dân bắt tôm tự nhiên bằng lưới. Trong khi đó, các trang trại nuôi tôm đang tàn phá hệ sinh thái rừng ngập mặn quý giá. Để giải quyết vấn đề, công ty Atarraya có trụ sở ở Indianapolis, Mỹ, giới thiệu giải pháp nuôi tôm trong thùng container mang tên Shrimpbox. Buồng lớn cỡ container chở hàng này có thể đặt ở bất kỳ nơi nào và chứa mọi vật dụng cần thiết để nuôi tôm bên trong, Popsci hôm 16/8 đưa tin.
Nằm trong Shrimpbox là hệ thống cho ăn tự động, hệ thống quản lý chất thải, hai hệ thống thông gió, hai bể và một phòng điều khiển để theo dõi hoạt động của tôm. Shrimpbox cũng bao gồm hệ thống dọn chất thải hữu cơ lơ lửng trong nước, giữ nước sạch bằng cách thúc đẩy sự phát triển của quần thể vi khuẩn có lợi. Mỗi Shrimpbox vận hành bán tự động thông qua một phần mềm theo dõi bể, tích hợp cảm biến đo nồng độ oxy, nhiệt độ, độ pH, nitrogen dioxide, nitrate, ammonium, tính đục và tính kiềm của nước.
Người dùng thậm chí có thể cho tôm ăn từ xa, hoặc điều chỉnh cài đặt dựa theo dữ liệu thu được. Mục tiêu của công ty là tạo ra cơ sở hạ tầng dễ học hỏi và sử dụng đối với nông dân nuôi tôm. Họ có thể kết hợp nhiều container và bộ phận bên trong thành trang trại. Atarraya cho biết công nghệ họ sử dụng để nuôi tôm giúp giảm trao đổi nước gần tới mức 0 và cắt giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh và các hóa chất khác.
Hiện nay, Atarraya đang bàn bạc với chính quyền bang Indiana để lắp đặt trang trại thủy sản đầu tiên tại đó. Theo TechCrunch, trang trại thử nghiệm của Atarraya sẽ mở cửa cuối năm nay. Những nguyên mẫu Shrimpbox khác cũng đang được lắp ráp ở Oaxaca, Mexico.
Atarraya không phải công ty đầu tiên hướng tới nuôi thủy sản trong nhà. Công ty khởi nghiệp Vertical Oceans ở Singapore cũng đang tìm cách nuôi tôm trong nhà. Giới chuyên gia nhận định nuôi thủy sản là một phương pháp đáng tin cậy để sản xuất hiệu quả protein cho dân số toàn cầu đang gia tăng. Những tiến bộ công nghệ và sắp xếp sáng tạo giữ cho bể nước luôn sạch giúp thúc đẩy sự phát triển của nuôi thủy sản trong nhà. Nhưng an toàn thực phẩm, xử lý chất thải và chi phí vận hành cao là những thách thức mà các công ty phải đối mặt khi bước vào ngành này.