Chia sẻ với:
Nuôi tôm xen ghép, hiệu quả bền vững
Nhiều mô hình nuôi tôm kết hợp với các loại thủy sản khác, không sử dụng hóa chất ở Phú Yên đã mang lại hiệu quả bền vững.
Từ thực tế nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng với mật độ dày khiến dịch bệnh hoành hành, người nuôi phải sử dụng hóa chất để xử lý dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm, tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình nuôi tôm xen ghép với các loài thủy sản khác nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tôm nuôi ghép cá, cua và rong câu
Theo Phòng NN-PTNT H.Đông Hòa, tình trạng ô nhiễm xảy ra ở hồ đất của vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch. Hiện khu vực này có khoảng 810 ha. Theo kết quả kiểm tra, xét nghiệm của cơ quan thú y, tôm nuôi chủ yếu bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng và đỏ thân. Nhằm hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vùng nuôi này triển khai một số mô hình nuôi tôm xen ghép với các loại thủy sản khác như: tôm thẻ chân trắng nuôi ghép với cua xanh, cá rô phi…
Ông Nguyễn Bút (ở xã Hòa Tâm, H.Đông Hòa) cho biết: “Tôi thả nuôi cá rô phi cùng với tôm thẻ chân trắng thì thấy môi trường trong ao nuôi cải thiện rõ rệt. Đáy hồ không còn ô nhiễm do thức ăn thừa, trong khi tôm phát triển nhanh. Tuy lãi thấp hơn nuôi dày, nhưng hằng năm với 5 sào mặt nước, gia đình tôi thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/vụ nuôi. Mỗi năm tôi nuôi 2 vụ, nhưng môi trường trong hồ vẫn đảm bảo”.
Còn ông Huỳnh Hùng (ở xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa) nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cua xanh. “Lúc tôm mới thả, tôi dùng cám ủ men vi sinh làm thức ăn cho tôm nên đường ruột tôm rất tốt. Sau hơn nửa tháng, tôi mới cho tôm ăn thức ăn công nghiệp. Tất cả quy trình nuôi đều sử dụng vi sinh nên tôm phát triển tương đối tốt”, ông Hùng bộc bạch.
Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đông Hòa, năm 2016, địa phương đã hỗ trợ 600 kg cá rô phi giống cho người nuôi tôm ở các xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông và thị trấn Hòa Hiệp Trung để nuôi xen ghép. “Kết quả ở các ao này, tôm phát triển tốt, cá rô phi đã giúp xử lý thức ăn thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hầu hết ao nuôi tôm xen ghép cá rô phi đều có lãi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng”, ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, trong năm 2017, H.Đông Hòa tiếp tục triển khai các mô hình nuôi tôm xen ghép, chủ yếu là ghép với cá rô phi. Người nuôi tôm trên địa bàn huyện cũng đã chủ động mua con giống cá rô phi để nuôi ghép với tôm.
Trong khi đó, ở vùng nuôi tôm H.Tuy An cũng triển khai một số mô hình nuôi tôm xen ghép với các loài thủy sản khác như hàu, cua xanh, rong câu, cá măng… Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tuy An, cho biết: “Chúng tôi cho triển khai mô hình nuôi tôm sú kết hợp trồng rong câu và mô hình nuôi tôm đất kết hợp cá măng. Cả hai mô hình này bước đầu mang lại kết quả rất khả quan, tôm, cá nuôi phát triển tốt, phù hợp với khu vực nuôi tôm hồ hở ở đầm Ô Loan”.
Nhân rộng mô hình
Trong những năm qua, Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Yên đã xây dựng nhiều mô hình có áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để triển khai nuôi thử nghiệm và đã thành công. Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Yên, cho biết từ năm 2010 - 2012, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá rô phi, rong biển được triển khai tại các xã Xuân Lộc (TX.Sông Cầu) và xã Hòa Xuân Đông (H.Đông Hòa). Việc nuôi tôm kết hợp cá rô phi sẽ tạo môi trường vùng nuôi trong sạch, hạn chế sự xâm nhập và phát triển của các vi khuẩn gây bệnh tôm. Ngoài ra, cá rô phi còn giúp ổn định tảo, ổn định các chỉ tiêu môi trường như pH, ô xy hòa tan, amoniac... giúp tôm khỏe mạnh và phát triển.
Cũng theo ông Tân, trung tâm đã triển khai mô hình nuôi tôm sú kết hợp cua xanh. Đến nay, nhiều địa phương ở TX.Sông Cầu đã nhân rộng mô hình này và kết quả rất khả quan. Ngoài ra, trung tâm cũng đã thực hiện mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm tại xã Xuân Hải (TX.Sông Cầu).
Một mô hình khác cũng do Trung tâm khuyến nông Phú Yên triển khai là nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học theo hướng VietGAP tại xã Hòa Hiệp Nam (H.Đông Hòa). Mô hình này áp dụng trước khi chính thức thả nuôi thương phẩm, con giống tôm thẻ chân trắng được ương dưỡng trong ao khoảng 1 tháng. Việc ương dưỡng này giúp đánh giá được chất lượng con giống, đồng thời giúp con giống chống chịu tốt hơn đối với biến động môi trường trong ao nuôi thương phẩm…
“Mỗi mô hình đã triển khai có những ưu điểm và hạn chế của nó. Vì thế, dù đa số mô hình đã triển khai nhân rộng ở các địa phương và hướng tới cho hiệu quả bền vững, nhưng cũng cần đánh giá lại để chọn mô hình phù hợp nhất cho từng vùng nuôi”, ông Tân nhìn nhận.
Theo Sở NN-PTNT, mục tiêu tổng quát của tỉnh là phát triển ngành tôm Phú Yên trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Giai đoạn 2017 - 2020, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh khoảng 1.940 ha. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Sở NN-PTNT đã giao Trung tâm khuyến nông phối hợp với các địa phương và người nuôi lựa chọn các mô hình hiệu quả và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ của từng mô hình để nhân rộng. Sở cũng đã đề nghị các địa phương có nuôi tôm nước lợ sớm hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết vùng nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát huy tiềm năng để nghề nuôi tôm phát triển theo hướng bền vững”. |