Huyện Vân Đồn , có vựa hàu lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, với diện tích nuôi trồng trên 4.000 ha. Hàu không chỉ được tiêu thụ nội địa, mà còn là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với số lượng lớn.
Thời gian gần đây, kết quả quan trắc môi trường nguồn nước các vùng nuôi hàu trên địa bàn huyện Vân Đồn đều ghi nhận nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép... Để tránh nguy cơ "mất cả chì lẫn chài", thì việc giữ được an toàn môi trường nước là rất quan trọng...
Mới đây, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã tiến hành kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước tại các khu vực khoanh nuôi hàu trên địa bàn huyện Vân Đồn và cho kết quả đáng lo ngại. Theo kết quả quan trắc môi trường tháng 8/2021 và tiếp đó trong 2 tháng 9, 10/2021..., nhiều chỉ số nguồn nước vượt với ngưỡng giới hạn cho phép; ví như mật độ coliform và Vibrio lần lượt cao hơn từ 1,29 - 1,42 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép. Việc nhiễm vi khuẩn Vibrio mediterranei, Vibrio vulnificus và V. fluvialis cũng được bắt gặp với tần suất cao.
Được biết, vấn đề nguồn nước ô nhiễm do không đảm bảo mật độ nuôi trồng, tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của thủy hải sản, đã được cơ quan chức năng khuyến cáo nhiều lần đến các hộ nuôi cũng như các địa phương. Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) trường hợp ô nhiễm nguồn nước như đang diễn ra tại Vân Đồn, trước đây cũng đã xảy ra ở chính địa phương này và một số địa phương khác trong tỉnh.
Đơn vị đã có văn bản khuyến cáo đến địa phương và người nuôi hàu phải thực hiện nghiêm túc duy trì mật độ nuôi phù hợp, không thả nuôi hàu với mật độ cao dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho hàu phát triển, làm hàu yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh vi khuẩn.
Đồng thời phải thường xuyên vệ sinh khu vực bè nuôi, rổ, dây hàu, loại bỏ rong rêu, các vật bám, tạo độ thông thoáng cho bãi nuôi nhằm làm giàu nguồn thức ăn, tăng chất lượng môi trường nước khu vực nuôi. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp khắc phục theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, gần như không được người dân thực hiện.
Trong những năm gần đây, nhiều người dân đã tự ý khoanh nuôi tại các vùng chưa được quy hoạch, hoặc tận dụng tối đa diện tích để nuôi thủy sản trên mặt nuôi hàu, cộng với mật độ nuôi quá dày đã khiến cho chất lượng sản phẩm hàu của Vân Đồn đang có xu hướng giảm, kích thước nhỏ và giá thành thấp.
Đồng thời, kéo theo những thách thức không hề nhỏ mà nghề nuôi hàu đang phải đối mặt. Một trong những thách thức lớn đó là, suy thoái và ô nhiễm môi trường nước các vùng nuôi hầu tập trung trên địa bàn huyện Vân Đồn.
Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn cho biết, địa phương cũng đã thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức các đợt tuyên tuyên truyền tới ngư dân trong việc bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ mất cả chì lẫn chài, thì việc giữ môi trường là rất quan trọng; nếu phát hiện hàu chết phải thu gom, xử lý ngay, tránh gây ô nhiễm môi trường, giảm sự phát triển của vi khuẩn và tránh để lây lan sang các cá thể sống; tăng cường theo dõi và quản lý môi trường nước bãi nuôi để có các biện pháp xử lý kịp thời khi xuất hiện các yếu tố bất lợi làm yếu hàu nuôi.