Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng thính giác và khả năng sinh sản của cá lù đù
HomeTin TứcÔ nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng thính giác và khả năng sinh sản của cá lù đù
20/12/2021
51 Lượt xem
Chia sẻ với:
Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng thính giác và khả năng sinh sản của cá lù đù
Tiếng ồn do con người tạo ra đã gia tăng trong thập kỷ qua đặt ra hạn chế mới đối với những loài động vật sống giao tiếp bằng âm thanh, ảnh hưởng đến hành vi, sinh lý, làm giảm phạm vi giao tiếp và khả năng phát hiện các tín hiệu ở các loài như côn trùng, cá, động vật lưỡng cư, chim, động vật có vú trên cạn và dưới biển. Điều này hiện được thừa nhận là một nguồn ô nhiễm lâu dài đang làm thay đổi cảnh quan âm thanh trên toàn thế giới.
Một số tác động tiêu cực của tiếng ồn đối với các sinh vật sống dưới nước đã được mô tả. Tại các khu vực nhạy cảm nằm ở vùng nước ven biển và cửa sông có dân cư đông đúc, nơi tàu thuyền ra vào thường xuyên là nguồn ô nhiễm tiếng ồn phổ biến nhất. Lưu ý rằng các loài cá thường sử dụng âm thanh để cảm nhận môi trường xung quanh bao gồm cả việc phát hiện động vật ăn thịt và con mồi cũng như một số loài tạo ra âm thanh để tán tỉnh và thực hiện giao phối, sinh sản. Ở những vùng này, tiếng ồn của tàu thuyền thường trùng lặp với dải tần số nghe và tạo ra âm thanh của cá gây nên nhiều tác động tiêu cực đến khả năng nghe, quá trình sinh sản, cuối cùng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
Cá lù đù (Argyrosomus regius) thuộc họ Sciaenidae là một trong những loài cá lớn nhất sử dụng phương pháp giao tiếp bằng âm thanh, có giá trị thương phẩm cao, được nuôi ở một số quốc gia từ những năm 1990. Cá lù đù trưởng thành thường di cư đến các khu vực ven biển như cửa sông để đẻ trứng nơi chúng có thể tạo ra những bản “hợp xướng” hay “điệp khúc” để bắt đầu quá trình sinh sản. Ở loài này cả con đực, con cái trưởng thành và con non (ít nhất 30 cm) đều có thể phát ra tiếng kêu.
Hiện nay, tác động có hại của tiếng ồn do con người gây ra thường được đánh giá thông qua sự thay đổi ngưỡng nghe ở một vài loài, do đó vẫn còn thiếu hụt cái nhìn sâu sắc về tác động của tiếng ồn nhân tạo đối với các phản ứng, hành vi và ảnh hưởng đến sự sinh sản của cá tự nhiên. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của tiếng ồn từ tàu thuyền đến việc truyền và nhận các “cuộc gọi tín hiệu” - những cuộc gọi này tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết hợp và giao phối trong mùa sinh sản của cá lù đù.
Trong họ Sciaenidae, các loài có thể được phân loại khác nhau dựa trên tính đa dạng cả về cơ chế phát ra tiếng kêu và cấu trúc tiếp nhận âm thanh. Thật vậy, kết quả phân tích chỉ số từ thính lực đồ cho thấy độ nhạy cảm của cá lù đù con với âm thanh dưới 300 Hz. Khi so sánh thính lực đồ với các loài khác bằng phương pháp đánh giá tương tự, cá lù đù thể hiện độ nhạy với âm thanh tốt hơn cá bống và cá cóc. Tuy nhiên, độ nhạy được báo cáo ở đây có thể thay đổi khi trưởng thành như được quan sát thấy ở một số loài khác. Có một câu hỏi được đặt ra là liệu khả năng nghe hay độ nhạy khi tiếp xúc âm thanh có mang tính di truyền hoặc khả năng biến thể khi di truyền hay không? Theo hiểu biết của các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này, hiện vẫn chưa có thông tin chính xác được báo cáo về vấn đề nêu trên, đặc biệt là trên các loài thuộc họ cá lù đù. Ngoài ra, việc tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn có thể đã ảnh hưởng đến độ nhạy thính giác của cá.
Các hoạt động của con người đang biến đổi môi trường sống tự nhiên và tạo ra các điều kiện mà động vật phải thích nghi hoặc từ bỏ. Nghiên cứu hiện tại đã chỉ ra rằng tiếng ồn của thuyền tạo ra có thể lấn át đi các tiếng kêu của cá đồng thời gây trở ngại cho quá trình phát tín hiệu thu hút, kết hợp và giao phối của cá, đặc biệt khi tàu thuyền di chuyển thường xuyên trong mùa sinh sản.
Mặc dù việc giảm thiểu tiếng ồn có thể là một vấn đề phức tạp nhưng rất cần những biện pháp giải quyết hiệu quả. Các nhà khoa học đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực địa để có được cái nhìn bao quát chi tiết hơn cũng như sự cần thiết khi có đủ kiến thức để thực hiện các hoạt động giám sát tiếng ồn nhân tạo ở các loài và trong các giai đoạn sống khác nhau.
Nguồn: Vieira, M., Beauchaud, M., Amorim, M. C. P., & Fonseca, P. J. (2021). Boat noise affects meagre (Argyrosomus regius) hearing and vocal behaviour [online], viewed 10 December 2021, from <https://doi.org/10.1016/j.marpolbul.2021.112824>.