Sài Gòn, 18 giờ 35 phút, tan làm sau một ngày dài bận bịu, đầu óc tôi bỗng mông lung nhớ cuộc gọi của má vài hôm trước. Má nói mùa nước nổi năm nay lại về trễ, đã giữa tháng 9 rồi mà đồng còn chưa ngập nước, tôi nghe vậy mà lòng cứ man mác buồn hoài…
“Tháng 7 nước nhảy lên bờ” là câu nói quen thuộc của dân miền Tây bởi mùa nước nổi hay còn gọi là mùa nước lên thường bắt đầu vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Gọi cái tên là biết, nó không ồn ào, dữ tợn như bão lũ miền Trung mà cứ rong chơi, âm thầm cho tới khi nước tràn bờ đê lúc nào không hay.
Nhớ cái hồi tôi còn nhỏ, con nít trong xóm nhiều ơi là nhiều, mỗi lần thấy nước ngập là tụi nó vui ra mặt, đứng trên thềm nhà, ngó nước ngập sân, cá thòi lòi, cua, còng cứ theo con nước mà lên. Nhiều lúc nước lên cao quá, chiều đi học về, đến sáng vào trường thì nước đã ngập tới trong lớp, phải nghỉ học, làm tụi nhỏ ham chơi thích thú quá trời; hay có nhà ngủ một đêm dậy thì dép đã trôi mất.
Hồi xưa tuy nghèo mà vui lắm, nhà nào cũng có cái xuồng ba lá, người lớn thì chèo ra chỗ nước sâu thả lưới; tụi con nít thì đi thành từng nhóm ba, bốn đứa dọc mé kênh đặt lọp; con gái thì theo má hái bông điên điển, bông sua đũa, bông súng,… ít thì nấu canh chua cho tía, nhiều thì chia cho hàng xóm ăn lấy thảo. Cuối ngày là tiếng “ùm…” của mấy thằng nhỏ trong xóm thi nhau nhảy xuống con mương gần nhà, mùa này nó đầy ắp nước, tắm thỏa thích.
Cái thời mà chỉ cần đặt vó đặt lọp là có cá, thò tay xuống sông là có tôm. Chiều chiều, tía với mấy chú lai rai cá lóc nướng trui, mùi rơm rạ quen thuộc, đốt cháy đen thui da con cá mà sao bên trong thịt cá vừa trắng vừa thơm, lại ngọt, cắn miếng nào chắc miếng đó, ăn rồi là nhớ cả đời không quên được. Nghe xa xa bên sông, hình như nhà ai đang cất vài câu vọng cổ,… Một nét bình dị vừa đẹp vừa man mác buồn- đặc trưng của vùng miền Tây sông nước hữu tình.
Mùa nước nổi- hào phóng và hồn hậu như khí chất người miền Tây, ngập tràn sức sống và sinh khí. Lũ về giúp gột rửa chất bẩn, mầm bệnh trên ruộng đồng, phù sa bồi đắp làm vụ mùa sau thêm xanh tươi. Lũ về mang theo biết bao nhiêu sản vật, nào cá nào tôm, trở thành phương kế mưu sinh cho bà con trong vùng. Không những thế, nó còn giúp cây cối, chim muông,… trong rừng phát triển tốt tươi. Người dân nơi đây từ lâu đã biết cách thức sống chan hòa với con nước này rồi.
Thương quê mình năm nào còn sợ nhà ngập, nước tràn cả con đê,… ấy vậy mà giờ đây, ai cũng trông trong con lũ về. Bao năm qua, nó cung cấp đủ thứ sản vật dồi dào, đối đãi hậu hĩnh, làm con người ta ỷ lại vào nó, rồi đất chật người đông, họ cứ khai thác, cứ tận diệt, chắc nó giận! Giận con người không biết trân trọng nó, giận nhà máy, đập thủy điện, nhiều công trình kiến trúc mọc lên như nấm làm con lũ ngày xưa không cách nào tìm về. Giận ý thức con người, sao mà tệ, cứ xả rác bừa bãi,… nó không thèm về nữa rồi!
Sắp nhỏ bây giờ chắc chỉ biết mùa nước nổi qua lời người lớn kể hay những bộ phim ngày xưa thôi chứ làm gì biết cái vui, cái hay của mùa nước nổi nữa, thiệt tội nghiệp, nghĩ mà thương! Tại ai, biết trách ai bây giờ…
Hễ là con dân miền Tây, dù tha hương cầu thực ở đâu đi chăng nữa, đến tầm mùa này chắc ai cũng khắc khoải thèm cái khoảnh khắc an yên cuối ngày, ngồi bên mé sông, ngắm vài tia nắng hoàng hôn còn sót lại, bầy chim sải cánh chao nghiêng trên bầu trời, gió sông thổi đều đều như muốn xua tan muộn phiền, mùi khói nhà ai bên kia sông đang nấu cơm chiều. Sao mà yên bình thế!
Bất giác, tôi thèm nghe văng vẳng bên tai tiếng má gọi “út ơi, vào ăn cơm, nay có canh chua cá linh bông điên điển, món ruột của bây nè…”