Dự án “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà (Glossogobius sparsipapillus) tỉnh Quảng Ngãi” được UBND tỉnh phê duyệt, do Sở KH-CN chủ trì và chủ nhiệm đề tài phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện, đến nay đã tương đối thành công.
Cá bống cát sông Trà đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Quảng Ngãi. Qua các công trình nghiên cứu về đặc điểm phân bố về cá bống cát thì dòng cá này phân bố rộng rãi, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cá bống cát sông Trà Khúc.
Trong thời gian gần đây việc đánh bắt, khai thác quá mức khiến cho nguồn lợi cá bống cát trên dòng sông cạn kiệt dần. Theo số liệu thống kê của tác giả Võ Văn Nha (2011 – 2020), trên địa bàn ven sông Trà Khúc, riêng cá bống cát trắng, mỗi năm người dân khai thác lên đến 6.500kg, còn sản lượng tất cả các loài cá bống trên sông Trà Khúc (từ lưu vực Tịnh Giang đến Cửa Đại) mỗi năm người dân khai thác khoảng 64.939kg.
Theo đó, các đơn vị thu gom cá bống ở vùng ven sông Trà Khúc, khu vực xã Tịnh Long, Tịnh Khê, Nghĩa Dũng và Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi), vùng nước lợ tầm 5 - 12‰, cá bố mẹ được đưa vào Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phổ (Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi) để tiến hành nuôi thuần dưỡng, sinh sản nhân tạo và ương nuôi tại đây.
Nhóm nghiên cứu đã bước đầu sản xuất hơn 2 triệu con cá bột, thí nghiệm ương nuôi cá giống trong bể và ngoài ao nuôi được 148.000 con cá giống kích cỡ 2 – 5cm. Cá giống sản xuất được giao cho 2 hộ nuôi tại xã Nghĩa Hà và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) nuôi thử nghiệm sinh sản nhân tạo trong ao nước ngọt và ao nước lợ.
Lần lượt kết quả thu được là 105kg cá thương phẩm trong ao nước lợ, trọng lượng bình quân đạt 11,3gr/con và 260kg cá thương phẩm trong ao nước ngọt, trọng lượng bình quân đạt 9,4gr/con, đồng thời, thả được 28.000 con giống ra sông nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản cho khu vực thuộc xã Nghĩa Phú.