Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Sâu hơn về "Căn bệnh hiểm nghèo" ở tôm

Sâu hơn về "Căn bệnh hiểm nghèo" ở tôm

Home Tin Tức Sâu hơn về "Căn bệnh hiểm nghèo" ở tôm
Sâu hơn về "Căn bệnh hiểm nghèo" ở tôm
22/08/2020
35 Lượt xem

Chia sẻ với:

Sâu hơn về "Căn bệnh hiểm nghèo" ở tôm

ác nhân nào dẫn tới bệnh phân trắng ở tôm: Vi bào tử trùng, Ký sinh trùng hay Vi khuẩn?

Khi thấy có sự xuất hiện các chuỗi phân trắng trong ao thì đây là dấu hiệu của một “căn bệnh hiểm nghèo”, gây thiệt hại nặng nề cho tôm thẻ, nhất là khi nhiệt độ nước cao bất thường. Nhiều năm trước đây, tác nhân gây hội chứng này đã từng xuất hiện và lây lan rộng rãi trên trên tôm sú ở các nước Châu Á. Đặc biệt là tôm cỡ 7-12g (hoặc 50-70 ngày tuổi), bất kể tôm ở điều kiện độ mặn như thế nào. Một số triệu chứng của phân trắng thường gặp đó là ruột trống và cấu trúc ruột tôm trở nên lỏng lẻo. Các chuyên gia đã tìm ra một mối liên hệ mật thiết giữa vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), kí sinh trùng Gregarine và vi khuẩn Vibrio thông qua kính hiển vi và việc kiểm tra mô học của gan tụy trên những con tôm bị phân trắng.

Giai đoạn đầu khi đàn tôm nuôi bị mắc hội chứng phân trắng, tỷ lệ tử vong không cao nhưng tôm lại chậm phát triển. Đến lúc bệnh kéo dài sang những giai đoạn tiếp theo, thì số lượng tôm tử vong ngày càng tăng trong khi nguyên nhân thì vẫn còn là một ẩn số. Từ đó bệnh phân trắng đã gây thiệt hại đáng kể về chất lượng và cả sản lượng cho ngành nuôi tôm ở Châu Á và nhiều khu vực khác. Mặc dù EHP và bào tử của chúng thường được tìm thấy ở tôm bị phân trắng, nhưng lại được xác định không phải là nguyên nhân chính. Ngoài ra thì Gregarine cũng được loại trừ khỏi tập hợp tác nhân chủ yếu gây ra bệnh này.

Mối nghi ngờ lớn nhất nằm ở chủng vi khuẩn Vibrio, vì sự phong phú của chúng có thể làm phân trắng nặng hơn với tôm. Tuy nhiên kết luận cụ thể về tác nhân vẫn chưa được công bố. Vậy nguyên nhân chính gây ra bệnh phân trắng là gì?

 

Đi qua sơ lược về cấu tạo thì gan tụy của tôm được cấu thành từ nhiều ống nhỏ. Tế bào biểu mô ống gan tụy bao gồm tế bào B với nhiệm vụ tiết dịch tiêu hóa, có không bào lớn; tế bào R giữ chức năng dự trữ. Cả hai tế bào B và R này đều có nhân rất nhỏ, nằm sát đáy ống gan tụy; Kế đến là tế bào F, tạo khung lớp biểu mô; tế bào E là tế bào mầm ở đầu ống gan tụy, tế bào này phân chia một cách mãnh liệt, phát triển để thay thế các tế bào B, R và F khi bị thoái hóa. Ngoài ra còn có tế bào M là tế bào cơ trơn giúp co bóp. Sự liên kết giữa các tế bào trên còn khá lỏng lẻo nên dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu từ bên ngoài.

Bệnh phân trắng được chia thành 3 giai đoạn theo sư phát triển của bệnh. Bệnh lý lâm sàng của gan tụy có thể được giải thích rõ ràng bằng mô bệnh học. Khi bị phân trắng, gan tụy tôm chịu sự xâm nhập mạnh của huyết sắc tố. Ngay vị trí vết cắt gan tụy có dịch lỏng màu nâu do không bào của tế bào B tiết ra ở giai đoạn 1 và 2. Giai đoạn cuối, gan tụy trở nên teo nhỏ và cô đặc như thạch vì biểu mô ống gan tụy bị suy giảm, làm giảm đi số lượng tế bào B và R một cách đáng kể.

Vi bào tử trùng EHP được chứng minh rõ ràng không phải là tác nhân chính gây ra hội chứng phân trắng, do chúng còn xuất hiện cả trong cơ thể tôm khỏe mạnh. Mở rộng thêm thì EHP cũng có ít liên hệ đến hội chứng gan tụy cấp tính (AHPND). Khi nhiễm AHPND, gan tụy tôm bị bong tróc chứ không phải biểu mô bị teo nhỏ như phân trắng. Tuy nhiên tôm bị phân trắng thì rất dễ bị nhiễm kép AHPND.

 

Đáng chú ý là khi phân lập 2 chủng V. parahaemolyticus và V. sinaloensis thì xác định được đây là mầm bệnh cơ hội làm gan tụy tôm có nhiều triệu chứng như khi nhiễm phân trắng. Tuy vậy đây cũng không phải là tác nhân chính gây bệnh, nhưng khi có mặt chúng, phân trắng sẽ nặng thêm và tỷ lệ tử vong của tôm sẽ ngày càng cao hơn.

Ngoài ra có một sự khác biệt lớn về cấu trúc và chức năng của cộng đồng vi sinh vật ở tôm bệnh phân trắng và tôm khỏe. Cùng với sự tiến triển của hội chứng phân trắng thì chủng Vibrio ngày càng phong phú và cuối cùng trở thành loài ưu thế nhất trong cộng đồng vi sinh vật của tôm. Trong khi một số loài khác bị giảm triệt để sau khi tôm bệnh. Vibrio cao làm bệnh dễ phát sinh hơn rất nhiều so với các loài khác. Do đó Vibrio có thể coi là sinh vật chỉ thị cho hội chứng phân trắng này.

Tóm lại là vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của phân trắng là gì. Trong khi Vibrio dù không phải là tác nhân chủ yếu nhưng lại đóng vai trò khá lớn gây nhiều ảnh hưởng, là nguyên nhân gây ra sự tử vong cao cho tôm. Hy vọng trong tương lai gần, ẩn số về nguyên nhân sẽ được tìm ra, đồng thời có biện pháp để hạn chế sự lây lan của hội chứng phân trắng một cách triệt để nhất.

Tìm kiếm