Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha, trong đó nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300ha, nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo khoảng 79.790ha và nuôi vùng biển xa bờ 166.910ha, diện tích còn lại phục vụ các hình thức nuôi khác.
Một số đối tượng nuôi chính như nhóm nhuyễn thể có ngao/nghêu, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương; nhóm cá biển gồm cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá sủ đất, cá măng biển; nhóm giáp xác như tôm hùm, cua, ghẹ; rong tảo biển có rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho, tảo biển và các đối tượng nuôi khác như hải sâm, sinh vật cảnh...
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết: Thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, dàn trải, thiếu đồng bộ. Việc quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng đưa vào hoạt động chưa đạt được theo công suất thiết kế.
Nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số vùng nuôi nằm chồng lấn, xung đột với các ngành kinh tế khác. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn, con giống sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm.
Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với thời tiết Việt Nam chưa phát triển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Nuôi biển hiện nay chủ yếu sử dụng cá tạp, dễ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trong nuôi biển chưa được kiểm soát. Nuôi biển có vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài nên sự tham gia của các doanh nghiệp lớn còn hạn chế…
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phú Yên có chiều dài bờ biển khoảng 189km, trên 21.000ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông có khả năng nuôi trồng thủy sản. Nghề nuôi biển ở Phú Yên hình thành từ những năm 1990, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 81.000 ô lồng nuôi thủy sản, trong đó tôm hùm hơn 78.000 lồng và cá biển hơn 3.000 lồng; sản lượng hàng năm khoảng 1.000 tấn tôm hùm và 600 tấn cá biển. Tuy nhiên, vùng biển Phú Yên là vùng bãi ngang, nằm trong khu vực có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới nhiều, hàng năm từ 9-12 cơn.
“Hiện nay, công nghệ nuôi biển ở Phú Yên chưa phù hợp; hầu hết đất ven biển đã ưu tiên quy hoạch phát triển du lịch. Tỉnh chưa áp dụng được chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển xa bờ, chưa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ nuôi đầm vịnh ra các vùng biển hở. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chưa xuất khẩu chính ngạch được, chưa có nhà đầu tư đủ năng lực đầu tư nuôi biển công nghiệp ở Phú Yên”, ông Phương cho biết.
Sớm đầu tư, định hướng phát triển phù hợp
Theo Tổng cục Thủy sản, giai đoạn 2010-2019, nuôi biển đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng không ngừng tăng. Tổng diện tích nuôi biển năm 2010 đạt 38.800ha thì đến năm 2019 đạt 256.479ha (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm); năm 2010 sản lượng nuôi biển đạt 156.681 tấn, thì đến năm 2019 đạt hơn 597.750 tấn (tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm)…
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Phát triển nuôi biển trong thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…
Định hướng trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, là rà soát, hoàn thiện đề án Phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển nuôi biển đồng thời nuôi và trồng các đối tượng thủy sinh vật, nuôi trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng nhóm sản phẩm, trong đó doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp là yếu tố then chốt trong đề án.
Ông Nguyễn Tri Phương cho biết: Phú Yên đang bổ sung khoảng 1.000ha vùng biển hở ở TX Sông Cầu, 350ha vùng biển hở huyện Tuy An để phát triển nuôi biển; bổ sung khoảng 6-10ha đất ven biển ở TX Sông Cầu, 3-5ha đất ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) đầu tư cầu cảng và công trình phụ trợ phục vụ công tác nuôi biển. Tỉnh đang kết hợp phát triển nuôi biển công nghiệp với các ngành kinh tế khác như du lịch, điện gió…
Để phát triển ngành nuôi biển, Phú Yên kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu ứng dụng trong nuôi biển công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ khác như thức ăn công nghiệp, lồng, bè chuyên dụng, con giống…
Bộ NN-PTNT cũng cần hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc về việc giao mặt biển nuôi trồng thủy sản, cưỡng chế lồng bè dôi dư; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình nuôi biển quy mô công nghiệp; đào tạo nghề nuôi biển đáp ứng nhu cầu nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới; triển khai các chương trình sản xuất giống phục vụ nuôi biển; đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo các vụ, viện và đơn vị trực thuộc tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ nuôi biển hiện đại, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể vùng biển Việt Nam. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng cần định hướng, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển công nghiệp.