Trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, việc tích tụ một số hợp chất độc hại như ammonia, nitrit sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm. Bài viết này được lược dịch từ báo cáo của Tiến sĩ Prakash Chandra Behera trên engormix.com cho thấy ảnh hưởng của Ammonia và Nitrit đến tôm nuôi.
Trong nuôi tôm, một trong những chất thải chính được quan tâm là nitơ. Việc tích tụ liên tục các chất thải nitơ (dưới dạng ammonia, nitrit và nitrat) làm suy thoái môi trường ao nuôi. Ammonia có trong hệ thống do quá trình bài tiết của tôm và do sự phân hủy các chất hữu cơ như thức ăn thừa. Khi amoniac được bài tiết, nó được chuyển đổi thành những hợp chất khác trong đó có Nitrite (NO2).
Ảnh hưởng của Nitrit đối với tôm thẻ chân trắng
Ảnh hưởng của nhiễm độc nitrit mãn tính bao gồm các tổn thương dạng mụn nước sẫm màu trên giáp đầu ngực và phần trước của đuôi, một dấu hiệu của sự căng thẳng ở tôm.
Tôm tiếp xúc với nồng độ nitrit cao trong thời gian dài có chiều dài râu ngắn hơn, mang bất thường và tổn thương ở gan tụy. Râu ngắn và mang bất thường được xem là những dấu hiệu lâm sàng sớm của sự giảm sút sức khỏe tôm.
Cơ chế gây độc của nitrit tác động lên quá trình vận chuyển oxy. Nitrit đi vào máu và ức chế sự gắn kết của oxy với phân tử sắt của hemocyanin. Hemocyanin là protein vận chuyển oxy trong máu ở động vật giáp xác. Ngoài ra, nitrit liên kết với hemocyanin, chuyển nó thành meta-hemocyanin, chất không có khả năng vận chuyển oxy đến các mô.
Nitrit tăng cao trong môi trường nuôi là nguyên nhân hình thành methaemocyanin, gây ra tình trạng thiếu oxy trong mô và làm suy giảm chuyển hóa hô hấp của tôm biển. Độc tính của nitrit trong nước ao có thể làm suy giảm chất lượng nước, giảm tốc độ tăng trưởng, tăng tiêu thụ oxy và bài tiết ammonia, thậm chí gây chết tôm.
Ảnh hưởng của Ammonia đến tôm thẻ chân trắng
• Ammonia gây suy giảm chuyển hóa năng lượng não, tổn thương mang, gan, gắn liền phiến mang, khử cực cơ, tăng kích thích, co giật và cuối cùng là chết. Sự gắn liền các phiến mang làm hạn chế dòng nước chảy qua mang và dẫn đến căng thẳng hô hấp cho tôm.
• Các tác động khác mà ammonia gây ra là làm giảm khả năng kháng bệnh và giảm khả năng chuyển hóa thức ăn. Nồng độ cao của ammonia và nitrit làm giảm tăng trưởng, tỷ lệ sống thấp, FCR cao và cuối cùng là tỷ lệ chết cao.
• Khả năng điều hòa hoạt động giảm khi thời gian tiếp xúc và nồng độ ammonia tăng.
• Độc tính cũng có thể làm tăng tần suất lột xác của tôm.
• Độc tính ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và tổn thương hệ thần kinh trung ương ở tôm.
• Hàm lượng khí độc quá mức có thể ảnh hưởng xấu đến giai đoạn lột xác, mềm vỏ, cơ lỏng lẻo và gây ra các bệnh về vỏ khác trên tôm.
Các yếu tố ảnh hưởng đến độc tính của Ammonia và Nitrit
• Sự tiếp xúc của động vật trong nền đáy trầm tích, cũng ảnh hưởng đến độc tính của ammonia. Độc tính cấp tính của nitrit và ammonia tăng lên theo thời gian tiếp xúc.
• Sự độ pH tăng sẽ làm tăng độc tính của ammonia.
• Độc tính của ammonia cũng bị ảnh hưởng bởi độ mặn. Trong môi trường có độ mặn thấp hơn, khả năng chống chịu của các loài tôm đối với các hợp chất nitơ cũng giảm đi. Độ mặn giảm sẽ làm tăng độc tính ammonia và nitrit đối với hầu hết các loài tôm.
• DO giảm dẫn đến tăng độc tính ammonia và nitrit.
• Sự gia tăng nhiệt độ dẫn đến tăng độc tính của ammonia và nitrit.
• Tôm nhỏ hơn dễ bị ảnh hưởng hơn tôm lớn.
Các biện pháp điều trị và phòng ngừa tác động của khí độc với tôm nuôi
• Các biện pháp phòng ngừa thích hợp được thực hiện trong quá trình chuẩn bị ao như cày xới, phơi đất, loại bỏ bùn đáy ao, bón vôi, v.v.
• Áp dụng khoa học công nghệ để cho tôm ăn vừa đủ, hạn chế dư thừa.
• Việc áp dụng chế phẩm sinh học, enzyme, chiết xuất thảo mộc, zeolite tự nhiên... một cách phù hợp có thể giải quyết các vấn đề về khí độc.
• Thay nước hoặc xi phong nền đáy thường xuyên góp phần loại bỏ khí độc ra khỏi ao.
• Duy trì các thông số nước thích hợp trong quá trình nuôi.
• Kiểm soát sự phát triển của tảo, tránh hiện tượng tảo nở hoa.
• Cung cấp sục khí mạnh trong ao cũng khuyến khích sự khuếch tán NH3 vào không khí.
Vì amoniac và nitrit độc đối với tôm hơn so với nitrat. Do đó, việc kiểm soát amoniac và nitrit là yếu tố quan trọng thứ hai sau oxy hòa tan để đảm bảo sự tồn tại và tăng trưởng của tôm nuôi.