Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan

Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan

Home Tin Tức Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan
Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan
07/05/2021
57 Lượt xem

Chia sẻ với:

Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan

Thời gian qua, UBND huyện Tuy An và các xã ven đầm không ngừng xử lý các trường hợp lấn chiếm ở khu vực đầm Ô Loan. Đến nay, đầm này cơ bản thông thoáng, sạch đẹp, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm này.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo UBND huyện Tuy An, đầm Ô Loan tiếp giáp với 4 xã gồm An Cư, An Hiệp, An Hòa Hải và An Ninh Đông, có diện tích khoảng 1.570ha, được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1996. Mỗi năm người dân có thể khai thác trong đầm này khoảng 350-400 tấn thủy sản các loại, đặc biệt là các loài nhuyễn thể là đặc sản của Phú Yên như sò huyết, hàu, điệp.

Tuy nhiên, việc người dân tự ý lấn chiếm, dùng cọc tre, cây gỗ, lưới mùng cắm thành que đăng để nuôi vẹm ở đầm Ô Loan đã làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây khó khăn cho các phương tiện thủy đi lại. Ngoài ra, một số người dân ven đầm Ô Loan và các xã lân cận sử dụng một số công cụ đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt như lờ bóng Thái Lan, xung điện, lưới điện, đăng, đáy… đã làm nguồn lợi thủy sản ở đầm này ngày càng suy giảm.

Trước tình hình nói trên, các địa phương ven đầm đồng loạt ra quân, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, mặt nước, xây dựng trái phép và triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển bền vững khu vực đầm Ô Loan. Từ năm 2019 đến nay, các xã ven đầm đã thu giữ và tiêu hủy hơn 4.170 lờ bóng Thái Lan, hơn 3.080 cọc tre, lưới mùng cắm thành que đăng, đồng thời đang rà soát, củng cố hồ sơ, kiên quyết giải tỏa các hồ nuôi tôm trái phép.

Ông Cao Thái Nhân, Chủ tịch UBND xã An Cư, cho biết: Đến nay, đầm Ô Loan thuộc địa phận xã đã thông thoáng, sạch đẹp, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các loại ngư cụ mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản và không được lấn chiếm, tái chiếm mặt nước đầm Ô Loan. Xã sẽ cử lực lượng thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái phạm.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp

Để trả lại môi trường sống cho các loài thủy sản, không gian đầm thông thoáng, sạch đẹp, UBND tỉnh đã triển khai đề án Bảo vệ môi trường đầm Ô Loan đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Theo Sở NN-PTNT, để khai thác hiệu quả kinh tế trong đầm Ô Loan, trước hết huyện Tuy An cần lập lại trật tự trong hoạt động khai thác dựa vào cộng đồng. Theo đó, thiết lập địa giới ngư trường theo từng khu vực và hoạt động khai thác có sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương.

Tùy theo loại nghề, những hộ dân sẽ thành lập theo nhóm nghề cụ thể, mỗi nhóm có ban quản lý do ngư dân bầu ra, đồng thời đề ra bản nội quy được chính quyền cấp xã chấp nhận và giám sát trong việc khai thác thủy sản. Qua đó, chính quyền từng xã thống kê, kiểm soát được số lượng ngư cụ cũng như hộ khai thác để vận động ngư dân không sử dụng các loại ngư cụ mang tính hủy diệt, các ngư cụ tác động đến nền đáy như giã cào, cào sò…

Ông Nguyễn Quý Ngà, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết, đã tham mưu UBND huyện xây dựng quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên đầm Ô Loan. Theo đó, quy chế quy định cụ thể về quản lý hoạt động khai thác thủy sản; nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khai thác; khu vực cấm khai thác có thời hạn; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản…

Nguyên tắc của quy chế này là hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phải gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. UBND huyện Tuy An đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để hoàn thiện và ban hành quy chế này.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp và quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và việc lấm chiếm đầm Ô Loan. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương đồng loạt ra quân giải tỏa, thu hồi và tiêu hủy các dụng cụ như cọc tre, cây gỗ, lưới mùng cắm thành que đăng và các ngư cụ đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên đầm Ô Loan. Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay trên 90% vật dụng lấn chiếm trái phép trên đầm đã được thu hồi, tháo dỡ.

Đồng thời, huyện cũng yêu cầu các địa phương ven đầm Ô Loan tăng cường tuyên truyền các quy định về nuôi trồng, khai thác thủy sản và nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hiểm, tác hại của các loại ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt; tiếp tục vận động người dân thực hiện hiệu quả hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản mang tính bền vững...

Tìm kiếm