Ông Lê Quang Hùng, ở khu phố 4, phường 12, thành phố Vũng Tàu hiện thành công với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên ao trước đây vốn là ruộng muối của gia đình.
Ông Hùng cho biết, trước đây, gia đình ông chuyên làm muối, nhưng do biến động của thị trường, giá muối không ổn định, thời tiết thất thường khiến cho việc sản xuất muối của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Nhờ được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển giao kỹ thuật, ông Hùng bắt đầu chuyển sang nghề nuôi tôm sú.
Thấy nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao hơn làm muối, năm 2018 ông Hùng quyết định đầu tư cải tạo mô hình nuôi tôm sú thâm canh và đầu tư ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 1,5 ha, trong đó có 2 ao nuôi và 3 ao lắng để lọc nước lấy từ biển vào.
Theo đó, ông Hùng đã bỏ ra chi phí khoảng hơn 1 tỷ đồng đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao lót vải bạt toàn bộ ao nuôi, đầu tư hệ thống máy sục oxy, quạt gió… Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, nhờ có máy móc hiện đại, quy trình lắng lọc nước vào ao nuôi rất nghiêm ngặt, nên hiện nay 1 năm gia đình ông Hùng nuôi được 3 vụ tôm, với khoảng trên 16 tấn tôm/năm, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về gần 1 tỷ đồng.
Mặc dù chỉ mới bắt đầu nuôi tôm hơn 1 năm, nhưng ngay từ lúc đầu, ông Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 7 ha; trong đó có 1,5 ha ao nuôi chính, diện tích còn lại là ao lắng, lọc và xử lý nước thải.
Với 1,5 ha ao nuôi chính, ông Vương đã đầu tư 2 loại ao nuôi gồm ao nuôi vuông, với 5 ao diện tích 10.000 m2, loại ao nuôi này ông đầu tư lót bạt ngay trên toàn bộ nền ao đất, sau đó cho nước đã được lắng lọc, xử lý vào ao nuôi và loại ao nuôi tròn, với 10 ao có diện tích 830 m2/ao, loại ao nuôi tròn này được thiết kế khung thép lót bạt.
Ngoài ra, ông Vương còn đầu tư máy sục oxy, quạt gió, máy điều khiến cho tôm ăn tự động và hệ thống máy móc hiện đại đo nồng độ pH trong ao nuôi… phía trên mỗi ao nuôi ông cũng đầu tư hệ thống mái che bằng lưới đen để hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi tôm.
Ông Vương cho biết, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ sản xuất được 3 vụ mỗi năm, cao gần gấp đôi so với phương pháp nuôi thông thường, tỷ lệ tôm nuôi hao hụt cũng giảm nhiều so với nuôi truyền thống. Sau hơn 1 năm, hiện, ông Vương đã nuôi được 5 lứa, với khoảng 60 tấn/lứa. Giá bán trung bình từ 130 - 160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi ha ông Vương lời từ 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/1 ha/1 lứa.
Ông Vương chia sẻ, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giúp quá trình nuôi tôm an toàn và giảm rủi ro, vì thế lợi nhuận chắc chắn tăng lên và năng suất cao hơn bà con nuôi truyền thống. Hơn nữa, môi trường nước là yếu tố then chốt, quan trọng sau khâu con giống trong nuôi tôm, chính vì vậy nuôi tôm công nghệ cao rất cần nhiều hệ hệ thống ao lắng lọc, trong quá trình lắng lọc người nuôi cũng cần chú ý xử lý kỹ trước khi đưa vào ao nuôi.
Thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh, đến thời điểm này toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 18 cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 352 ha, tăng gần 100 ha so với cùng kỳ năm 2019.
Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất lót bạt, hoặc các hồ tròn khung thép có lót bạt trong nhà màng; công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250 - 500 con/m2. Các cơ sở thường nuôi theo hình thức gối đầu, vì vậy một năm có thể nuôi được từ 3 đến 5 vụ.
Với phương pháp nuôi theo công nghệ cao, môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, nên có thể thả giống quanh năm và không bị lệ thuộc khung lịch mùa vụ. Đây cũng là lợi thế để tránh được tình trạng thu hoạch đại trà làm giá tôm thương phẩm giảm xuống.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường rất tốt nên các cơ sở nuôi tôm đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, trước xu thế hiện nay trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành, phát triển nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai mở các lớp tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh về tính ưu việt của mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đây là hướng đi tất yếu cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chuyển đổi dần đần từ hình thức truyền thống sang công nghệ cao.
“Việc áp dụng các mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước đầu mang lại tín hiệu tích cực. Đây là hướng đi mới, có tiềm năng lớn bởi giúp người nuôi phần nào yên tâm trước sự biến đổi khó lường của thời tiết; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất nhờ có thể nuôi tôm với mật độ cao do áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng khuyến cáo các doanh nghiệp và người nuôi tôm cần cẩn trọng, nghiên cứu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi khi áp dụng mô hình này nhằm tránh rủi ro trong sản xuất”, ông Nguyễn Hữu Thi chia sẻ.