Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Thủy sản Na Uy đi đầu thế giới

Thủy sản Na Uy đi đầu thế giới

Home Tin Tức Thủy sản Na Uy đi đầu thế giới
Thủy sản Na Uy đi đầu thế giới
07/03/2018
32 Lượt xem

Chia sẻ với:

Thủy sản Na Uy đi đầu thế giới

- Na Uy là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu trên thế giới, trong đó có sản phẩm nổi bật là cá hồi. Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Siren Gjerme Eriksen để hiểu thêm về những kinh nghiệm thành công của ngành thủy sản nước này.


Ngành công nghiệp cá hồi của Na Uy - chủ yếu là cá hồi nuôi,  Ảnh: Andrey Armyagov đã có bề dày phát triển 50 năm

Đại sứ có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?

Tôi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ của mình ở Việt Nam từ năm 2014 và kiêm nhiệm Lào từ năm 2015. Tôi đến từ Bergen, một thành phố nằm trên bờ biển phía Tây của Na Uy. Cũng giống với rất nhiều người Na Uy, cuộc sống cũng như sự nghiệp của tôi đều gắn bó chặt chẽ với biển và các ngành kinh tế biển.

Ngành nuôi trồng thủy sản ở Na Uy khởi nguồn từ bờ biển phía Tây, phát triển dần lên dựa trên kinh nghiệm lâu đời và làm giàu thêm cho những truyền thống đó. Tôi đã được chứng kiến quá trình phát triển này. Theo thời gian, nó đã đem lại những lợi ích to lớn và rõ rệt không chỉ cho cộng đồng dân cư ven biển mà cho toàn đất nước Na Uy. Tôi cũng nhận thấy tiềm năng to lớn như vậy đối với Việt Nam.

Na Uy là quốc gia có ngành thủy sản phát triển mạnh, nhất là cá hồi. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về điều này?

Na Uy là một trong những quốc gia có ngành thủy sản đi đầu thế giới. Giáo dục, nghiên cứu, quản lý, công nghệ và phát triển kinh doanh là những nội dung liên quan. Kiến thức và năng lực chuyên môn của Na Uy trong lĩnh vực này ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm học hỏi. Hỗ trợ kỹ thuật thông qua cơ chế hợp tác giữa các tổ chức của Na Uy với các đối tác nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể đã chứng tỏ là một mô hình hiệu quả.

Ngành công nghiệp cá hồi của Na Uy - chủ yếu là cá hồi nuôi, đã có bề dày phát triển 50 năm. Na Uy rất chú trọng phát triển trình độ công nghệ trong toàn chuỗi giá trị từ khâu nhân giống, nuôi cá bột, tới sản xuất quy mô lớn, tiếp thị và tiêu thụ quốc tế.

Thủy sản an toàn và cá chất lượng cao là các mục tiêu quan trọng. Trong thập kỷ 80, chúng tôi đã có vaccine phòng 6, 7 loại bệnh khác nhau. Từ những năm 1990 tới nay, chúng tôi không còn dùng kháng sinh hay hóa chất ở khâu gây giống cá hồi nữa vì mỗi con cá trước khi thả vào lồng nuôi trên biển đều được tiêm vaccine phòng bệnh. Hiện nay, Na Uy sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn cá hồi mỗi năm để bán cho trên 100 thị trường trên toàn thế giới.

Đại sứ đánh giá như thế nào về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành thủy sản Việt Nam?

Tôi cho rằng khi nhắc tới “ngành thủy sản”, bạn đang nói đến hoạt động đánh bắt của các đội tàu cá. Tôi rất ấn tượng với sản lượng đánh bắt của Việt Nam lên tới trên 3 triệu tấn mỗi năm. Cũng giống với Na Uy, nghề cá ở Việt Nam là một phần quan trọng của nền văn hóa và kinh tế.

Theo kinh nghiệm của Na Uy trong việc quản lý trữ lượng cá, một số yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản về lâu dài bao gồm tính hợp lý về số lượng và kích thước của tàu cá, quản lý các loại thiết bị đánh bắt sử dụng và dĩ nhiên là một môi trường làm việc an toàn và thuận lợi cho ngư dân. Bảo quản hợp lý sản phẩm sau đánh bắt cũng có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo giá trị thị trường cao cho sản phẩm.  

Từ thập kỷ 60, việc sử dụng lưới rê trôi trên vùng biển của Na Uy đã bị coi là bất hợp pháp. Trong những năm 1950, Na Uy có trên 60.000 tàu cá. Hiện nay, chúng tôi chỉ có dưới 2.000 tàu nhưng sản lượng đánh bắt hàng năm của chúng tôi vẫn đạt mức trên 2 triệu tấn/năm. Điều này đồng nghĩa với việc ngư dân Na Uy kiếm được nhiều tiền và có cuộc sống rất tốt.

Na Uy đã hỗ trợ ngành thủy sản Việt Nam hơn 30 năm qua. Các công ty và chuyên gia thủy sản của Na Uy vẫn tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong việc cải thiện ngành nghề cũng như những bài học hữu ích mà Việt Nam có thể áp dụng.

Hỗ trợ của Na Uy với ngành thủy sản được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau gồm, xây dựng Luật Thủy sản, quản trị nhà nước, nghiên cứu và đào tạo. Luật mới đã góp phần giảm áp lực đối với nguồn lợi thủy sản Việt Nam, cũng như tăng cường hỗ trợ cho ngành. Trong giai đoạn 2005 - 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã tăng 7,1 % mỗi năm. Giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2015 cao gấp 6,9 lần so năm 2001.

Hơn nữa, Luật Thủy sản mới đã đưa ra quy định bảo vệ các loài dễ bị tổn thương và hình thành được 15 khu bảo tồn dọc bờ biển Việt Nam. Nhờ các quy định về kế hoạch, cấp phép và thanh kiểm tra, hoạt động quản lý trở nên hiệu quả và rõ ràng hơn. Lấy xã Thắng Lợi ở Vịnh Hạ Long làm ví dụ, người dân trong xã đã được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản. Các giấy phép này giúp họ vay vốn tín dụng để mở rộng hoạt động kinh tế. Một cuộc điều tra do chính quyền địa phương thực hiện cho thấy tỷ lệ người nghèo của xã đã giảm từ 48% năm 2007 xuống còn 18% năm 2012).

Hiện nay, thị trường và người tiêu dùng Na Uy quan tâm như thế nào đến các sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam (chẳng hạn như tôm và cá tra). Và Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Na Uy hay không?

 Hiện nay, sản phẩm cá tra, basa đông lạnh của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các siêu thị Na Uy. Việt Nam và Na Uy (thông qua Hiệp hội Tự do Thương mại châu Âu - EFTA) hiện đang đàm phán một hiệp định tự do thương mại cho các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Nhìn chung, người tiêu dùng Na Uy rất chú trọng tới thực phẩm sạch, chất lượng cao. Họ muốn sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm phải được kiểm định các chất độc hại và được chứng nhận là an toàn. Tiêu chí này áp dụng với mọi sản phẩm thủy sản dù là đánh bắt trong tự nhiên hay nuôi trồng. Trong vấn đề này, thái độ của người tiêu dùng Na Uy cũng giống với người tiêu dùng ở các thị trường khác.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc chú trọng tới chất lượng cao của nước, khu vực nuôi giống, phát triển và sử dụng vaccine phòng bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất, loại bỏ bùn đất để làm sạch ao nuôi sau mỗi lứa nuôi và áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc là những yếu tố quan trọng giúp ngành thủy sản Na Uy gây dựng niềm tin với khách hàng và thu lợi từ các thị trường trên toàn thế giới.

Thời gian qua, Na Uy và Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, quản trị, thủy sản, dầu khí, môi trường và biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, vệ sinh và nước sạch… Vậy thời gian tới, đâu sẽ là những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác kinh tế? Liệu thủy sản có nằm trong sự ưu tiên đó?

Hàng hải và kinh tế biển, trong đó bao gồm cả đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản đã và đang tiếp tục là các lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng giữa hai nước. Bên cạnh đó, các giải pháp năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, sinh khối và thủy điện, cũng như các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cũng được coi là các lĩnh vực nhiều tiềm năng. 

Đại sứ có thể chia sẻ những ấn tượng về Việt Nam khi sống và làm việc tại đây trên cương vị là một nhà ngoại giao?

Hơn 3 năm sống và làm việc ở Việt Nam là quãng thời gian tôi rất trân quý. Nó đem lại cho tôi cơ hội được tới nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, ở đâu con người Việt Nam cũng rất nồng hậu và hiếu khách. Tôi đặc biệt xúc động vì đã có cơ hội được gặp gỡ nhiều phụ nữ mạnh mẽ. Bình đẳng giới và cơ hội bình đẳng cho mọi người sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả.

Việt Nam là đất nước tươi đẹp với những con người lao động cần cù và nhiều giá trị khác nữa. Điều này có thể thấy rõ khi mà ngày càng nhiều người trên thế giới quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Na Uy cũng không phải là ngoại lệ. Mỗi năm, có hơn 20.000 du khách Na Uy tới Việt Nam và số lượng các công ty Na Uy đang và mong muốn đến Việt Nam hoạt động ngày càng tăng. 

Quan hệ ngoại giao của hai nước chúng ta bắt đầu từ năm 1971 và vẫn tiếp tục phát triển. Sự phát triển kinh tế đầy ấn tượng của Việt Nam đang mở ra các cơ hội hợp tác song phương mới. Chúng ta cũng nhận thấy tiềm năng tăng cường hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và thách thức về môi trường bởi đó là những vấn đề ảnh hưởng tới tất cả chúng ta dù sống ở đâu. 

Đại sứ quán là cầu nối giữa hai quốc gia trong mọi lĩnh vực trao đổi và hợp tác. Cá nhân tôi và toàn thể nhân viên trong Đại sứ quán đều cảm thấy vinh dự vì có cơ hội được đóng góp phần mình để duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác và tình hữu nghị bền chặt giữa Na Uy và Việt Nam. Nhân dịp Xuân mới, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các độc giả Việt Nam, chúc các bạn mạnh khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.

Trân trọng cảm ơn bà Đại sứ!

Tìm kiếm