Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), ngành thuỷ sản nếu không khôi phục vào tháng 9/2021 thì sẽ có nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi, không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi.
Riêng nuôi trồng thủy sản nếu không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu tôm, cá... sẽ ứ đọng, nông dân vô cùng khó khăn. Do đó, VASEP đề xuất trong mục tiêu cần có thời gian để nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9/2021.
VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản đánh giá cao và thấy rõ Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là một văn bản với mục tiêu và ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lớn đến “sức khoẻ” tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
VASEP cho rằng các doanh nghiệp đồng ý với hầu hết quyết nghị đưa ra trong dự thảo, song cũng bổ sung một số ý kiến nhằm giúp doanh nghiệp đỡ khó hơn.
Theo đó, đề xuất giảm 30% tiền điện cho khối doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021. VASEP lý giải điện rất quan trọng đối với bất cứ nhà máy nào, từ khâu chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng, để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Do đó, việc hỗ trợ giảm tiền điện sẽ có ý nghĩa lớn, tác động đến việc phục hồi sản xuất - xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi.
"Tuy nhiên, trong dự thảo mới chỉ có hỗ trợ cho “kho bảo quản” thì không hoàn toàn chính xác và không đủ theo đối tượng để có thể tạo ra tác động mang tính hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu duy trì và phục hồi sản xuất của chuỗi thuỷ sản", VASEP cho hay.
VASEP cho rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần chi trả lương cho người lao động đang đóng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 bởi trong bối cảnh phải ngừng sản xuất hoặc co hẹp sản xuất, doanh nghiệp đã phải chịu rất nhiều khó khăn bao gồm cả áp lực lớn về chi phí. Trong đó có chi phí phải trả lương cho người lao động phải đi cách ly hoặc không thể tham gia sản xuất (giảm công suất khi thực hiện 3 tại chỗ, ngừng sản xuất).
Bảo hiểm xã hội chi trả lương cho người lao động (đang đóng Bảo hiểm xã hội) trong trường hợp nêu trên, thay vì doanh nghiệp phải trả, là hoàn toàn phù hợp và phát huy được vai trò của Bảo hiểm xã hội.
VASEP cũng đề nghị tất cả doanh nghiệp, không chỉ các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 được giảm đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% từ mức 2% quỹ lương vì nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động trong khi khoản kinh phí công đoàn và phí công đoàn là vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, VASEP đề nghị TP.HCM và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng và đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện...) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
Về các chi phí sản xuất, VASEP đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.