Trả lời cho câu hỏi cơ duyên nào giúp ông biết và muốn gắn bó với loài cá này, ông Ba kể, ông có người con trai học chuyên ngành thủy sản, sau khi tốt nghiệp, với đam mê với nghề, anh xin ông nuôi cá thử nghiệm, thấy được quyết tâm của con, ông bằng lòng và từ đó hai cha con mày mò nuôi cá từ dưới ao rồi xây hẳn bể trên đất quanh nhà, đồng thời, đối tượng nuôi liên tục được chọn lọc, từ cá lóc đến cá trê phi…đều được thử qua, cho đến khoảng 6 năm trước, nhận thấy tiềm năng nuôi cá tai tượng trên bể cạn, vừa hiệu quả, ít rủi ro lại có thể duy trì được lâu dài, nên hai cha con đã thực hiện mô hình này cho đến nay.
Ông Ba chia sẻ với chúng tôi, nuôi cá trong bể bạt và bể xi măng có nhiều ưu điểm, mặc dù diện tích bể hẹp nhưng bù lại có nguồn nước chủ động, dễ dàng thay khi nước bị dơ nên thuận tiện trong việc quản lý môi trường sống của cá. Với lợi thế trên, ông Ba mạnh dạng xây 20 bể với diện tích mặt nước trên 1.500 m2, mỗi bể có diện tích từ 40-100m2 giúp ông dễ dàng theo dõi quá trình sinh trưởng, tình trạng sức khỏe và phân kích cỡ đàn cá.
Bằng cách thường xuyên theo dõi cá trong bể, cứ mỗi 3-4 tháng, ông lại tuyển chọn lại kích cỡ cá, phân bể riêng để áp dụng chế độ ăn khác nhau, tránh tình trạng cá phân đàn dẫn đến cạnh tranh thức ăn. “Cá tai tượng là loài cá háu ăn, ngoài thức ăn viên thì hầu như loại rau củ nào cá cũng ăn. Tôi tận dụng trồng rau, chuối quanh nhà, đi mua lại rau loại thải của tiểu thương ở chợ,… để làm thức ăn cho cá. Chi phí nuôi giảm mà chất lượng cá nhờ đó tăng thêm”, ông Ba khằng định.