Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Trách nhiệm với môi trường của ngành hàng cá tra

Trách nhiệm với môi trường của ngành hàng cá tra

Home Tin Tức Trách nhiệm với môi trường của ngành hàng cá tra
Trách nhiệm với môi trường của ngành hàng cá tra
24/10/2023
75 Lượt xem

Chia sẻ với:

Trách nhiệm với môi trường của ngành hàng cá tra

Thực trạng môi trường nuôi cá tra

Để đạt được sản lượng trung bình khoảng 200 tấn cá/ha với hệ số chuyển đổi thức ăn FCR là 1,6 cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu là 320 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường là 256 tấn. Nuôi cá tra thâm canh với sản lượng hàng năm 1,5 triệu tấn thì chất hữu cơ thải ra sẽ là một thách thức lớn đối với các vùng nuôi tập trung. Xử lý chất thải từ ao nuôi hiện nay chủ yếu là thay nước, chế phẩm sinh học, hút bùn... định kỳ thường xuyên, áp dụng công nghệ hiện đại chỉ ở một số vùng nuôi. 

Cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Thiết bị, công nghệ sản xuất phụ phẩm dầu cá và bột cá tra tương đối hiện đại và đồng bộ, tuy nhiên chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều. Chưa tận thu được máu cá nên làm tăng ô nhiễm cho nước thải chế biến. Đa phần các hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ truyền thống, chưa đạt hiệu quả tối ưu, tăng chi phí.

Còn điều kiện xử lý nước thải trong quá trình nuôi được áp dụng phương án xử lý lắng lọc sinh học trong ao lắng thải, không phù hợp đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy trình xử lý với thiết bị công nghiệp như ở các nhà máy chế biến.

Trong lúc, các quy định về lao động, môi trường trong Hiệp định EVFTA sẽ không giảm mà xu hướng và khả năng bị kiểm soát tuân thủ chặt hơn. Nguồn nước sử dụng trong nhà máy chế biến cá tra bắt buộc phải là nước sạch đủ tiêu chuẩn uống được (theo quy định của EU và Bộ Y tế). 

Hai giải pháp bảo vệ môi trường

Nghiên cứu của TS. Phạm Thị Thu Hồng nêu hai giải pháp chính.

Thứ nhất là giải pháp quản lý. Địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết dựa trên những cơ sở về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng. Các khu vực nuôi cần phải quy hoạch đồng bộ với hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt.

Quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, chất lượng con giống, thức ăn, kiểm soát bệnh cá để giảm thiểu chất thải tác động môi trường. Xây dựng các quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và môi trường, các yếu tố đầu vào và đầu ra của chuỗi sản xuất từ giống đến các dòng sản phẩm XK đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Đầu tư cho phát triển công nghệ mới, công nghệ cao; tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống thủy lợi (kênh cấp và xử lý thải) hoàn chỉnh cho vùng nuôi tập trung phục sản xuất cá tra theo hướng thân thiện môi đáp ứng với các chuẩn thương mại quốc tế.

Thứ hai là giải pháp kỹ thuật. Tiến tới hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhân rộng mô hình nuôi cá tra công nghệ cao mà doanh nghiệp đã thực hiện, không xả thải, tuần hoàn, tận dụng bùn thải thu hồi sản xuất phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất và quản lý nhằm giảm chi phí nuôi, giảm phát thải môi trường, tăng khả năng cạnh tranh. Nghiên cứu loại thức ăn tối ưu, giảm hệ số PCR để tăng hiệu quả sử dụng. Ứng dụng quy trình cải tiến kỹ thuật tối ưu trong phương pháp cho ăn (cho ăn gián đoạn, xen kẽ đạm thấp đạm cao), áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa để giảm lượng thức ăn dư thừa nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Xử lý nước thải của nhà máy chế biến bằng công nghệ thân thiện môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh. Áp dụng tiêu chuẩn trong nuôi như Global Gap, ASC, BAP, Viet Gap,…Trong chế biến như ISO, HACCP, BRC, IFS, HALAL,... Đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến phụ phế phẩm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm ngành hàng và áp dụng công nghệ sản xuất sạch góp phần bảo vệ môi trường. 

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp 

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) nằm trong chiến lược kinh doanh hàng đầu và ngày càng trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá doanh nghiệp. Thực hiện tốt nhất CSR sẽ nâng tầm doanh nghiệp, góp phần đưa ngành cá tra ngày một vững vàng, mạnh mẽ hơn. Đồng thời, CSR cũng là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành cá tra Việt Nam.

 

Cho nên, CSR được coi như là cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh, minh bạch trong sản xuất và nâng cao thương hiệu. Thực hành CSR đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. Đó chính là việc cân bằng của ba yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường. 

Triển khai CSR không chỉ mang lại lợi ích cho ngành cá tra mà còn vì mục tiêu lớn hơn là phát triển bền vững và hiểu rộng ra là giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

TS. Phạm Thị Thu Hồng nhấn mạnh: Nghề nuôi cá tra thâm canh, chế biến và xuất khẩu ở ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, nếu phát triển như hiện nay chỉ chú trọng phát triển về diện tích và năng suất nuôi để thu lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ là cản trở lớn nhất cho việc phát triển nghề nuôi và xuất khẩu trong thời gian tới. Trước những tiềm năng và thách thức của ngành, có thể nhận định CSR là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam.

“Vì vậy, để ngành cá tra phát triển bền vững cũng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là phải nghiên cứu đưa ra các giải pháp hợp lý, có tính thực tiễn cao để xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình nuôi cá tra, chế biến cá tra”, TS. Phạm Thị Thu Hồng kết luận.

Tìm kiếm