Sau khi so sánh 10 hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy sản khác nhau ở Trung Quốc về kết quả kinh tế, lợi ích xã hội, cường độ tài nguyên và tác động môi trường, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tăng cường hệ sinh thái có thể giúp ngành này đồng thời đáp ứng các mục tiêu sản xuất lương thực và bền vững môi trường.
Bài báo Optimization of aquaculture sustainability through ecological intensification in China, được xuất bản trong ấn bản gần đây nhất của tạp chí Reviews in Aquaculture, giải thích phương pháp sản xuất lương thực tích hợp đầu vào lao động và các dịch vụ hệ sinh thái trong chu kỳ nông nghiệp giúp cải thiện hiệu quả và năng suất tổng thể.
"Các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản có thể tận dụng những kỹ thuật thâm canh theo hướng phát triển bền vững hệ sinh thái (gọi tắt là ’thâm canh sinh thái’) khác nhau để tối đa hóa thế mạnh nuôi trồng thủy sản và tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên", bài báo viết. Nếu phương pháp tiếp cận được thực hiện thành công, người sản xuất có thể dựa vào các quy trình tự nhiên trong chu kỳ nuôi trồng thủy sản để cải thiện đầu ra và giảm thiểu các hạn chế về môi trường.
Theo số liệu của FAO, Trung Quốc là quốc gia sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới - đóng góp 58% sản lượng thức ăn thủy sản toàn cầu vào năm 2018. Khi loại trừ rong biển ra khỏi số liệu sản xuất, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc đạt 47,56 triệu tấn (2018). Các dự báo hiện tại cho thấy sản lượng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc có thể tiếp tục tăng 36,5% vào năm 2030 so với năm 2016.
Tuy nhiên, sản lượng tăng này cũng khiến Trung Quốc phải trả giá về môi trường như ô nhiễm, suy thoái đất và bùng phát dịch bệnh... Điều này làm cho sự phát triển trong tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản không chắc chắn và đang thúc đẩy các yêu cầu về các chính sách bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn.
Logic đằng sau việc tăng cường hệ sinh thái
Hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc rất đa dạng - từ các trang trại nuôi cá quy mô nhỏ tập trung vào các loài có giá trị thấp và an ninh lương thực, đến các hoạt động quy mô lớn được cơ giới hóa cao để sản xuất cá cho các thị trường xa xỉ.
Với sự đa dạng này, không có một kỹ thuật nào có thể giúp ngành đáp ứng các mục tiêu về sản xuất và môi trường. Các chỉ số tiềm năng về tính bền vững xã hội, kinh tế và môi trường đều có mối liên hệ với nhau. Tính bền vững tổng thể của một dự án nuôi trồng thủy sản phụ thuộc vào cách các chỉ số cơ bản như sử dụng đất, tiêu thụ nước ngọt, tăng trưởng kinh tế, an toàn thực phẩm và ô nhiễm kết hợp với nhau .
Một lý do chính tại sao "thâm canh sinh thái" có thể đạt được sức hút là do nó cho phép nông dân thực hiện các chiến lược riêng lẻ để đạt được mục tiêu bền vững và năng suất thay vì tập trung vào một ưu tiên duy nhất có thể không áp dụng cho hoạt động của họ. Nó cũng thừa nhận sự đánh đổi giữa hiệu quả, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên, an toàn thực phẩm và phát triển kinh tế và xã hội khi đề ra các chiến lược thâm canh.
Cách tiếp cận toàn diện này giải thích cho các điểm mạnh và các hạn chế của hệ thống. Nó cũng xác định các cách tiếp cận độc đáo kết hợp đầu vào của lao động với các quá trình tự nhiên sẽ điều chỉnh môi trường sản xuất.