Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam: Thực tế và những hệ lụy

Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam: Thực tế và những hệ lụy

Home Tin Tức Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam: Thực tế và những hệ lụy
Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam: Thực tế và những hệ lụy
30/01/2014
38 Lượt xem

Chia sẻ với:

Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam: Thực tế và những hệ lụy

Mua từ kỳ hoa dị thảo cho tới … kỳ quặc

Trong một vài năm qua, cứ vài tháng thương lái Trung Quốc lại tạo nên những vụ scandal thu mua sản phẩm nông sản, từ lúa gạo, dứa, khoai, dừa tới cả những mặt hàng “độc” như đỉa, phân trâu, ốc bươu vàng, …

Thủ đoạn chung của các “tay buôn” Trung Quốc là: tung tin đồn, đẩy giá cao và đặt thu mua số lượng lớn; mua không cần chú ý đến chất lượng, nhiều khi còn yêu cầu nông dân “pha tạp” sản phẩm. Sau khi họ tích trữ được một số lượng lớn hàng hóa, thương lái Trung Quốc sẽ yêu cầu đối tác Việt Nam là các chủ đầu nậu thu mua lô hàng có khối lượng cực lớn với giá trên trời. Nhiều “con thiêu thân” thấy bở ăn đã bỏ ra hàng đống tiền để mua lại chính những sản phẩm mà thương nhân Trung Quốc gom được nay bán lại qua tay trung gian khác. Hậu quả để lại là một bộ phận thương lái trung gian Việt Nam mất trắng “cả chì lẫn chài”, do sau khi ôm đủ tiền lời, thương lái Trung Quốc đã biến mất.

Ngoài ra, một số mặt hàng “kỳ quặc” còn khiến người nông dân “sống dở chết dở” do được trồng hay nuôi quá nhiều trong thời gian ngắn. Những ví dụ nhỡn tiền như hiện nay nhiều làng quê tại đồng bằng sông Hồng đang bị “lụt” ốc bươu vàng, hay có thời gian các thôn xóm trong ĐBSCL tràn ngập khoai lang.

Riêng lĩnh vực thủy sản, vấn đề thương nhân Trung Quốc thu mua nguyên liệu được coi như là chuyện đến hẹn lại lên của ngành thủy sản Việt Nam. Hết nguyên liệu hải sản như cá, mực, bạch tuộc, cho tới tôm hùm, tôm càng xanh, ngao…

Sang năm nay, rộ lên tình trạng thương lái Trung Quốc tận thu tôm tươi nguyên liệu của Việt Nam đúng vào thời điểm tháng 7, 8 và 9, khi các DN chế biến và XK tôm bước vào giai đoạn cao điểm chế biến và xuất hàng ra thị trường thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu cuối năm. Việc tận thu gần như không bỏ sót cân nào khiến không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của nhiều DN chế biến tôm mà tình trạng này còn để lại nhiều hệ lụy tồi tệ cho cả ngành tôm nước nhà.

Tình trạng nông dân đổ xô nuôi tôm bỏ qua nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, phá vỡ lịch thời vụ, không xử lý ao trước khi thả nuôi, bơm chích tạp chất … đang xẩy ra tại nhiều địa phương.

Gặp anh Lê Văn Tân, còn gọi thân mật là anh Bảy, người có 20 ao thả nuôi tôm, tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, được nghe anh kể chuyện, những tháng đầu năm do bán được giá tôm, trúng khá nên anh đặt thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàn,g cộng thêm vay vốn bên ngoài đầu tư nuôi tôm lớn. Hai vụ liên tiếp tôm chết trắng ao do nuôi quá dầy, không chịu xử lý ao. Đầu tháng 11, anh lại tiếp tục thả mong chờ trúng tôm để trả nợ dù biết thời tiết đang chuyển lạnh. Anh Tân chỉ chưa tới 30 tuổi nhưng cơn lốc tận thu tôm khiến dung mạo anh như ở tuổi ngoài 50.

DN chế biến XK tôm Việt Nam gánh hậu quả

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tháng 9, giá tôm sú nguyên liệu đã tăng lên tới mức 210.000 – 220.000 đồng/kg loại 30 con, tôm cỡ 40 con có giá 180.000 – 185.000 đồng/kg. Giá tôm chân trắng tăng mạnh hơn, cỡ 100 con từ 87.000 đồng/kg cuối tháng 9 năm ngoái lên 123.000 đồng/kg cuối tháng 9 năm nay. Đây là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay.

Nhiều ý kiến cho rằng giá tôm nguyên liệu tăng mạnh đã mang lại lợi nhuận lớn cho người nông dân. Nhưng trên thực tế, hầu hết lợi nhuận đều chảy vào túi các thương lái trung gian là chủ nậu vựa thu mua tôm. Trong khi đó, DN chế biến,  bởi không “đủ sức” cạnh tranh với giá thu mua thường cao hơn tới 10-20% do thương nhân Trung Quốc đưa ra, đã trở nên “héo hon” vì thiếu tôm để chế biến, lâm vào thế mắc kẹt với những đơn hàng đã ký. Nhiều DN phải chấp nhận chịu bị phạt hợp đồng để giữ khách hàng hoặc “ngậm bồ hòn làm ngọt”, mua nguyên liệu giá cao bất chấp thua lỗ để giữ thị trường.

Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản xuất tôm nói chung và dẫn đầu thế giới về sản lượng tôm sú. Năm 2013, dự kiến sản lượng tôm nuôi của Việt Nam lên tới hơn 500.000 tấn. Tuy vậy, hậu quả từ việc cạnh tranh với thương lái nước ngoài trong thu mua tôm nguyên liệu ngay chính trên “sân nhà” khiến các DN chúng ta càng xuất nhiều, càng lỗ lắm, bởi vẫn phải chấp nhận mua tôm với giá cao ngất ngưởng để thực hiện hợp đồng XK đã ký với khách hàng từ nhiều tháng trước. Và họ cố tìm mọi cách để gia tăng NK tôm nguyên liệu từ Ấn Độ hay Êcuađo…, trong khi nguồn tôm nguyên liệu ngày càng eo hẹp, giá cao vọt lên.

Trong điều kiện khó khăn ấy, một nghịch lý hiện nay là các DN đang gồng gánh nhiều khó khăn vì tình hình sản xuất trong nước, mà vẫn phải chịu mức thuế NK 10% đối với các loài tôm nguyên liệu chính (tôm sú và tôm chân trắng). Như đổ thêm dầu vào lửa, dự thảo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy thuế NK mặt hàng này sẽ còn tăng thêm 2% vào năm 2014 với lý do nhằm bảo hộ và khuyến khích nuôi trồng trong nước.

Đối mặt với cả núi khó khăn như vậy, nhưng kết quả kim ngạch XK của ngành tôm năm nay vẫn cao vọt, 11 tháng đầu năm tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2012, dự kiến cả năm XK tôm sẽ vượt ngưỡng 3 tỷ USD, đó quả là những kỳ tích phi thường được thực hiện trong thời buổi kinh tế vô cùng khó khăn. Các DN chế biến và XK tôm Việt Nam đang phải gồng mình chịu đựng như những lực sĩ huyền thoại trong kinh doanh. Nhưng, liệu những "lực sĩ" ấy còn đủ sức gồng gánh những sức nặng đang ngày càng chồng chất do những yếu kém của cơ quan quản lý ?

Suốt 10 năm, biết bao công sức và tiền bạc của Chính phủ lẫn cộng đồng DN đã đổ ra để theo đuổi và chiến thắng ở các vụ kiện chống bán phá giá và kiện chống trợ cấp tôm của Mỹ. Những thành quả ấy đang có nguy cơ bị mất đi, chỉ bởi một lý do đơn giản là bị tranh mua nguyên liệu chế biến bởi các doanh nhân nước ngoài đang hoạt động thu mua bất hợp pháp ngay trên chính sân nhà mình, do sự quản lý thiếu sát sao và một số chính sách bất hợp lý của cơ quan quản lý Nhà nước! Quá đáng tiếc!

Dũng Minh
vietfish.org

Tìm kiếm