Từ 22 ha diện tích mặt nước thuê của đập Đá Lả, thuộc thôn Lâm Lang 3, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, anh Trần Viết Tý ở thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy đã thả nuôi hơn 1.000 con cá ở trong lồng, trong đó gồm 500 con cá chép giòn, còn lại là các loại cá chuỗi ngọc, cá lăng, diêu hồng, cá leo. Sau hơn 2 năm, mô hình đã đem lại hiệu quả bước đầu. Không những thế, tận dụng địa thế thoáng đãng, anh Tý xây dựng hệ thống nhà nổi ngay cạnh các lồng nuôi để chế biến tại chỗ các món ăn phục vụ du khách gần xa.
Năm 2016, anh Trần Viết Tý cùng với 2 người bạn trong thôn góp vốn thuê mặt bằng hồ chứa nước của đập Đá Lả để nuôi cá nước ngọt, mọi chuyện đang tiến triển tốt thì bất ngờ trận lũ năm đó cuốn đi toàn bộ số cá của 3 người. Không nản chí, anh Tý vay vốn ngân hàng, tách ra riêng để thuê lại diện tích mặt nước phía ngoài của đập Đá Lả để lắp đặt hệ thống lồng bè nổi thả nuôi cá chép giòn. Từ kiến thức qua sách báo, mạng internet, cùng với đam mê và không ngừng tìm tòi, học hỏi, anh Tý đã nuôi thành công mô hình cá chép giòn. Theo anh Tý, cá chép giòn không phải là loài nuôi mới mà thực chất đó là cá chép được nuôi qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, nuôi bình thường đạt trọng lượng thương phẩm từ 0,7 - 0,8 kg/con. Giai đoạn 2, là giai đoạn nuôi giòn để thành cá thương phẩm, thời gian nuôi từ 5 đến 6 tháng bằng việc cho cá chép thường đã qua nuôi giai đoạn 1 ăn hạt đậu tằm nhập khẩu từ Úc, đạt đến trọng lượng 1,2 - 1,5 kg/con rồi xuất bán. Do sử dụng thức ăn chuyên dùng nên thịt cá chép khi chế biến sẽ cho độ giòn, dai, săn chắc, ít mỡ, thơm ngon vượt trội, giá trị bán lại cao hơn. Hiện nay, anh Tý bán sỉ ra thị trường 1 kg cá chép giòn có giá dao động từ 180.000-200.000 đồng/kg, riêng với cá qua sơ chế có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, gấp 2 - 3 lần so với cá chép thường.
Hiệu quả là vậy, nhưng bước đầu do bản thân tự phát nuôi, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nên cá bán ra chưa được thị trường ưa chuộng, dẫn đến lợi nhuận không cao. Nhận thấy triển vọng từ mô hình mới lạ này, đồng thời nhằm thay đổi hình thức và đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao để nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, năm 2020, thông qua trạm khuyến nông, UBND huyện Cam Lộ đã hỗ trợ 350 con cá chép giống và hơn 2 tấn đậu tằm Úc với tổng giá trị 41 triệu đồng cho mô hình của anh Trần Viết Tý để đầu tư bài bản. Có được sự hỗ trợ từ phía huyện, anh Tý mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống lồng, thả thêm số lượng lớn các loại cá. Hiện nay, với 8 lồng nuôi anh Tý thả hơn 1.000 con cá với các loại cá chép giòn, cá chuỗi ngọc, cá lăng, cá diêu hồng và cá leo.
Mới đây, thấy nhu cầu của nhiều người mong muốn đến tận nơi để chứng kiến việc nuôi cũng như thưởng thức các món ăn từ cá, đặc biệt là cá chép giòn, vợ chồng anh đầu tư lắp đặt nhà nổi sát bên các lồng nuôi để phục vụ thực khách đến tham quan việc nuôi cá và thưởng thức các món ăn chế biến từ cá, điều đáng nói là chính anh Tý cũng là đầu bếp “đạo diễn” luôn các món ăn. “Cá này đặc biệt lắm, khi sơ chế nó thì làm như cá bình thường, nhưng muốn chế biến các món thì kiểu gì cũng phải róc hết thịt, thái thành thớ như thịt lợn, phần xương để riêng ninh lấy nước nấu cháo, phần thịt sau khi thái thớ thì có thể để chế biến các món như hấp sả, nướng mọi, xào sả ớt và cháo xương cá… chứ nếu để nguyên con hấp thì sau không thể dùng đũa ăn được, bởi thịt dai giòn nên khó ăn”, chị Nguyễn Thị Hiền (vợ anh Tý) cho biết.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày “nhà hàng nổi” của anh Tý tiêu thụ 20 - 30 kg cá các loại, chủ yếu là cá chép giòn. Lượng khách đến đây ngày càng đông, không chỉ để thưởng thức các món ăn từ cá chép giòn mà còn để cảm nhận được không khí mát mẻ và trong lành trên mặt hồ của một vùng quê nông thôn mới. “Nghe tiếng món cá lạ này cũng lâu, hôm nay đến tận nơi để thưởng thức. Ngồi trên nhà nổi thế này, nhìn cá ở lồng nuôi rồi thưởng thức các món thấy cũng rất thú vị, cá này có vị béo, độ giòn dai y hệt thịt lợn, cháo từ xương cá nấu cũng rất ngon”, anh Trương Văn Lân, một thực khách ở xã Cam Chính, vui vẻ chia sẻ.
Với cách nuôi khác biệt, các món được làm từ cá chép giòn nhanh chóng ghi điểm với những thực khách khó tính trong và ngoài huyện. Qua mạng xã hội facebook, vợ chồng anh Tý đã làm cho nhiều người biết đến món cá lạ này, biết đến Cam Lộ nhiều hơn. “Dự định thời gian tới của tôi là mở rộng quy mô nuôi cá, trong đó tập trung thả thêm giống cá chép giòn, vì hiện nay lượng cá nuôi chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của khách đến ăn tại nhà nổi. Tôi cũng muốn thử nghiệm nuôi thêm giống cá trắm giòn, đồng thời lắp thêm vài nhà nổi, trồng thêm ít cây gia vị của địa phương, tạo thành chuỗi từ nuôi, trồng và chế biến các món ăn phục vụ tại chỗ, đảm bảo ngon, sạch và an toàn để khách đến đây vừa được thư giãn bầu không khí trong lành của thôn quê vừa thưởng thức các món ăn từ cá”, anh Tý tâm sự.
Nuôi cá trong lồng bè không phải là mô hình mới, nhưng “nuôi cá từ lồng bè đến bàn ăn” là cách làm sáng tạo, cộng hưởng của cách nuôi cá mới kết hợp việc chế biến các món ăn lạ từ cá đang là hướng đi phù hợp của anh Trần Viết Tý. Sự mạnh dạn thay đổi trong cung cách làm ăn này đã thực sự mang lại hiệu quả, tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía chính quyền để có thể hoàn thiện chuỗi khép kín “từ lồng nuôi đến bàn ăn” một cách đúng nghĩa.