Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Ứng dụng công nghệ mới khai thác thủy sản

Ứng dụng công nghệ mới khai thác thủy sản

Home Tin Tức Ứng dụng công nghệ mới khai thác thủy sản
Ứng dụng công nghệ mới khai thác thủy sản
01/07/2017
44 Lượt xem

Chia sẻ với:

Ứng dụng công nghệ mới khai thác thủy sản

Từ nghề cá thủ công, tự phát, nhờ nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác chuyển giao công nghệ mới khai thác hải sản, ngư dân đã từng bước chuyển sang nghề cá công nghiệp, năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể.

08-36-33_1
Những trang thiết bị điện, điện tử hiện đại được trang bị trên tàu cá xa bờ

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện khu vực Nam Trung bộ có 45.789 chiếc tàu cá, trong đó 66,4% tàu có công suất từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt khơi xa. Lực lượng tàu cá tuy lớn nhưng hầu hết là tàu vỏ gỗ, lắp máy cũ, máy bộ, khả năng hoạt động trong thời tiết xấu rất hạn chế.

Thời gian gần đây, nhờ các chính sách của Nhà nước, ngư dân trong khu vực được vay vốn đóng tàu công suất lớn vỏ thép, vỏ vật liệu mới; hiện trong khu vực đã có 5.634 tàu cá có công suất trên 400CV, nhiều tàu có công suất trên 1.000CV, có thể hoạt động dài ngày trên biển, khả năng chịu đựng sóng gió tốt, hoạt động an toàn.

Đặc biệt, hơn 90% số tàu nói trên được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại; tối thiểu nhất là tời ma sát, cẩu, la bàn, máy định vị vệ tinh, máy thông tin liên lạc, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm. Một số tàu lớn hơn, khai thác ở vùng biển xa bờ được lắp đặt các trang thiết bị, máy móc hiện đại như máy dò cá ngang, ra đa, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực…

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Việt Nam hiện có nhiều cơ sở đóng tàu đã ứng dụng một số phần mềm trong thiết kế vỏ tàu và một số kỹ thuật mới trong thi công, chế tạo tàu vỏ thép, vỏ composite đảm bảo tăng độ bền, tiết kiệm vật liệu.

“Đặc biệt, ngành thủy sản đã nghiên cứu cải tiến, cải hoán tàu lưới vây mạn sang lưới vây đuôi, mô hình này đã được thử nghiệm và cho kết quả khả quan. Tàu cải hoán hoạt động rất ổn định, đặc tính kỹ thuật và năng suất khai thác hơn hẳn so với tàu lưới vây mạn truyền thống”, ông Oai cho hay.

Hiện một số tàu cá ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận… hoạt động ở vùng biển xa bờ đã được lắp đặt các thiết bị điện, điện tử hiện đại như máy dò ngang, ra đa, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, hiện các loại máy móc, thiết bị cơ khí tiếp tục được du nhập, chuyển giao cho tàu cá Việt Nam như máy thu thả câu trên tàu câu cá ngừ ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; máy thu lưới vây (đứng) ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận…; hệ thống thu thả lưới chụp đang được chuyển giao cho tàu cá ở Bình Thuận.

08-36-33_2
Tàu lưới vây rút chì phải sử dụng thiết bị hiện đại ngư dân mới có thể kéo tấm lưới cộng khoen chì nặng gần 7 tấn từ đáy biển lên boong tàu

Ngư dân Nguyễn Tâm (SN 1970) ở thôn Kim Giao Bắc, xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ 2 tàu cá hành nghề lưới vây BĐ 99243 TS (823CV) và BĐ 99456 TS (823CV), chia sẻ: “Hai tàu cá của tui đang dùng máy dò quét hiệu Koden của Nhật Bản, máy này trợ giúp cho nghề lưới vây rất lớn. Tàu vừa chạy vừa bấm máy dò, chỗ nào có cá máy báo chính xác ngay tọa độ để tàu chạy đến bủa lưới đánh bắt. Đỡ tốn nhiên liệu chạy tìm đàn cá, giảm được thời gian đánh bắt mà hiệu quả cao lắm”.

Ngư dân Lê Tấn Hồng, chủ 2 tàu cá ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết: “Hai tàu cá của tui là tàu gỗ, công suất không lớn lắm, nhưng nhờ lắp đặt các trang thiết bị hiện đại nên giảm được chi phí, chất lượng sản phẩm được nâng cao và đặc biệt là giảm được số lượng lao động đi bạn trên mỗi tàu”.

Thực tế hiện nay, lao động trên biển ngày càng khó kiếm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào SX các chủ tàu sẽ được giảm bớt áp lực nhân sự. Tuy nhiên, khả năng tài chính của các ngư dân còn hạn chế nên rất “nhát” đầu tư đồng bộ các hệ thống tàu, ngư cụ, thiết bị, công nghệ tiên tiến phục vụ khai thác.

Hơn nữa, trình độ vận hành của ngư dân còn hạn chế, nên công nghệ hiện đại được đầu tư chưa được khai thác hiệu quả. Hạn chế lớn nhất của ngư dân là việc sử dụng máy dò ngang trong dò tìm và đánh giá trữ lượng đàn cá, hoặc sử dụng công nghệ và thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương do Nhật Bản chuyển giao.

“Sở NN-PTNT các tỉnh cần chủ trì, phối hợp với Sở KH-CN tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các diễn đàn có sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp và ngư dân; tổ chức tham quan mô hình trong và ngoài nước để các tổ chức, cá nhân trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới khai thác thủy sản để ứng dụng vào thực tế; xây dựng và trình tỉnh phê duyệt kế hoạch ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào khai thác tại địa phương. Như vậy, nghề cá của ta mới đáp ứng được yêu cầu của sản xuất”, ông Nguyễn Ngọc Oai đề nghị.
Tìm kiếm