Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
"Vàng trong bùn" của dân Cà Mau

"Vàng trong bùn" của dân Cà Mau

Home Tin Tức "Vàng trong bùn" của dân Cà Mau
"Vàng trong bùn" của dân Cà Mau
02/11/2021
39 Lượt xem

Chia sẻ với:

"Vàng trong bùn" của dân Cà Mau

Về xã Việt Thắng, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), chúng tôi háo hức tìm gặp “ông vua sò huyết” có cái tên mỹ miều Nguyễn Mai Hằng. Ngó ông già với cái tên sao chẳng ăn nhập gì khiến chúng tôi có chút tò mò.

Chà, sò huyết thì ở Cà Mau nhiều nơi có, mà sao có nhiều ông vua tự phong thế, chắc cũng chỉ là lời đồn vang xa thôi. 

Nhưng không! Vị lão nông bằng tình yêu và sự trân trọng với con sò huyết đã khẳng định chắc nịch với chúng tôi rằng: “Ðây là vàng, thứ vàng ở trong bùn của xứ này”. 

Đáng chú ý, có sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn mua - bán sỉ và lẻ như Công ty Camimex Foods, Công ty Seaprimexco; Công ty Quang Bình, Công ty Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES), Co.opmart Chi nhánh Cà Mau, Công ty C.P Việt Nam Chi nhánh Cà Mau, Công ty Thương nghiệp Cà Mau,…

Ông già đem 20 năm máu thịt với con sò huyết trên đầm phá Phú Tân để kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của đất, của người.

Sò huyết lên đời

Như con tôm, con cua, Cà Mau trước đây không ai nuôi sò huyết. Bởi những sản vật ấy quơ tay là có, tự nhiên và tưởng chừng vô tận. Ðất Phú Tân có gần 40 km bờ biển, 6 cửa sông lớn thông ra biển, con sò huyết đã có mặt ở đó từ bao đời.

Ông Hằng kể: “Năm 2001 tôi bắt đầu gom giống về thả vuông nuôi, ai cũng cười. Lúc đó, tôm trúng lắm, con sò chỉ để dành ăn. Dần dà, tôm cua dở đi nhiều, con sò huyết ngày càng nhiều người ưa chuộng, giá cả lên đều. Cũng từ đó, con sò huyết trở thành nguồn thu nhập chủ lực của tôi với gần 5 ha đất”.

Nhẩm tính, ông già nói mỗi vụ lời bèo bèo cũng vài trăm triệu đồng.

“Vua sò huyết” Nguyễn Mai Hằng (bên trái), người tiên phong đưa mô hình nuôi sò huyết bén rễ với nông dân xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Như biết chúng tôi chưa tin lắm, ông Hằng, với vai Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Má Tám, dẫn tôi ghé thăm gia đình lão nông khác cùng ấp, ông Huỳnh Hải Dân. 

Ngồi trên xuồng, 2 ông già thò tay xuống mò sò huyết. Ban đầu, chúng tôi mắc cười, nhưng sau 5 phút, rổ sò huyết vun đầy, con đều tròn, chắc nụi cỡ 50 con/kg thì há ngoác miệng mồm.

Ông Dân tiết lộ: “Sò huyết Việt Thắng sắp thành sản phẩm OCOP chớ không phải giỡn đâu, có dự án hẳn hoi đó”.

Chúng tôi ngược về Phòng NN&PTNT huyện để “xác minh lời của mấy ông già". Sự thật 100%. Ông Tô Hoàng Nhàn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, trưng ra báo cáo tổng kết dự án nuôi sò huyết làm sản phẩm OCOP với những chỉ dẫn cặn kẽ: “Ðây, dự án thực hiện tại ấp Má Tám, xã Việt Thắng; quy mô 10 hộ, 5 ha; thời gian từ tháng 8/2020-4/2021. Vốn ban đầu dự án gần 500 triệu đồng, lợi nhuận trừ vốn gốc là 1,1 tỷ đồng”.

Nhưng niềm kỳ vọng của con sò huyết không chỉ là lợi ích kinh tế. Theo ông Nhàn, bà con Phú Tân lâu nay vẫn nuôi tôm, cua là chính. Nhưng gần đây hiệu quả nuôi tôm, cua giảm sút mạnh vì thời tiết bất lợi, dịch bệnh phức tạp. 

Con sò huyết, với hiệu quả đã kiểm chứng trở thành lựa chọn không thể bỏ qua cho người dân Phú Tân trong tương lai. 

Từ dự án nuôi sò huyết thương phẩm để thiết lập vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP sò huyết đóng hộp, khi thực hiện và nhân rộng sẽ giúp người dân đa dạng hoá các đối tượng nuôi, giải quyết vấn nạn về ô nhiễm môi trường, đặc biệt sự ô nhiễm từ nghề nuôi tôm, góp phần phát triển sản xuất các sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị.

Ông Huỳnh Phương Nhanh, Chủ tịch UBND xã Việt Thắng, thông tin: “Sò huyết Việt Thắng nói riêng cung hầu như không đủ cầu. Còn nếu thành công xây dựng sản phẩm OCOP thì còn gì bằng”.

Nhưng trong câu chuyện về con sò huyết, chúng tôi được biết thêm rằng, không phải nơi nào của Phú Tân cũng phù hợp để nuôi. Cả kinh nghiệm dân gian và cứ liệu khoa học chỉ ra rằng, một số nơi như xã Nguyễn Việt Khái, đầm Thị Tường (xã Phú Mỹ) và xã Rạch Chèo là lý tưởng nhất.

Giấc mơ Bảy Háp

Mấy ông già ấp Má Tám dẫn câu chuyện con sò huyết ra tận cửa sông Bảy Háp. Nuôi sò trong vuông, trong đầm thì rõ rồi, còn giống ở đâu cũng phải nói tới. Cửa sông Bảy Háp một bên là xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, bên này một đoạn ngắn của Việt Thắng, còn nhiều hơn là của Rạch Chèo, huyện Phú Tân. 

Bên kia cửa sông, bãi nuôi sò huyết đã hình thành từ rất lâu, là "mỏ vàng" trên đất bùn giúp nhiều người phất lên mau chóng. Còn bên này Phú Tân, có bận chính quyền xã Rạch Chèo tự phát cho dân mướn nuôi sò huyết, kết quả là bị thu hồi luôn danh hiệu xã nông thôn mới, vì làm trái chủ trương.

Lân la hỏi thăm, gặp ngay một vị kỳ cựu trong việc bám cửa Bảy Háp nuôi sò huyết - ông Ngô Trường Sơn. 

Ông Sơn cười hì hì: “Tôi dân cố cựu Rạch Chèo nhưng mướn nuôi bên bãi Ðất Mới, Năm Căn chục năm rồi, gần 20 ha. Ðây, bãi nuôi ngó ngang sông là thấy”. Nhóm nuôi của ông Sơn có nhiều người, chia nhau quản lý bãi nuôi. Gặp một vị lão luyện trong nghề khác, ông Phạm Văn Hận, trực tiếp ở chòi canh bãi, ông tiết lộ: “Sò giống cửa Bảy Háp tốt nhất Cà Mau. Dân Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh... về đây mua hết”.

Cũng theo những người trong cuộc, nuôi sò huyết trên bãi bùn sông Bảy Háp chủ yếu là cung cấp giống, vì lợi nhuận lớn hơn, bền vững hơn so với sò thịt. Thuỷ triều lên xuống, phù sa dồi dào, việc dèo giống sò từ loại cám đến cỡ giống thả nuôi mất khoảng 5-6 tháng và hầu như không có rủi ro. Cái nữa là, khi người nuôi bao ví lưới, gia cố bờ sông thì giảm hẳn tình trạng sạt lở, mất vành đai rừng trong bờ.

 

Ông Hận còn khoe: “Tôi 62 tuổi, mê con sò huyết sông Bảy Háp mà bám trụ 5 năm rồi. Mình tiếc là bên kia sông chưa làm được như bên này thôi”.

Trở về bên này sông, mang băn khoăn ấy trao đổi với lãnh đạo xã Rạch Chèo thì biết thêm, huyện Phú Tân đã đề đạt nguyện vọng xin chủ trương cho địa phương thực hiện việc nuôi sò huyết trên bãi bùn cửa sông như bên Năm Căn lên UBND tỉnh. Theo đó, về chủ trương đã được UBND tỉnh đồng ý, còn lại là quy trình, thủ tục về văn bản, kỹ thuật và triển khai thực tế. Quả là một tin mừng.

Thú thật, chuyện về những bờ sông ở Cà Mau nhiều lúc cũng tréo ngoe. Ví chuyện nhỏ như bên này sông có lộ bê-tông, bên kia sông lội sình, ai mà đặng lòng. 

Ông Nguyễn Văn My, Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo, thổ lộ: “Dân ở đây nghe có chủ trương cho nuôi sò huyết trên bãi, ai cũng mừng hết. Phải nói thế này, riêng dèo giống sò huyết thì không ở đâu bằng cửa Bảy Háp. Nếu được làm, làm theo chủ trương, làm có quản lý, thì nghề nuôi sò huyết ở bãi sông Bảy Háp hay trong vuông tôm sẽ là hướng đi mà địa phương vô cùng kỳ vọng”.

Giấc mơ thì cần có thời gian, lộ trình và nỗ lực để thực hiện. Giờ, chúng tôi tận hưởng vị ngon ngọt khó quên của con sò huyết Phú Tân cái đã. 

Kể chuyện về sò huyết mà không ăn sò huyết thì ai mà tin. Nhưng bỗng bật cười vì ngó thấy cái vẻ trân trọng khi ăn sò huyết của ông già được mệnh danh “ông vua sò huyết” - Nguyễn Mai Hằng. 

Bởi lẽ, với người nông dân, cái gì mình làm ra mà không trân quý, không là vàng ròng. Thứ vàng trong bùn của đất Phú Tân làm say lòng khách bởi dư vị lắng đọng của tình người, hồn quê và khát vọng mênh mông sông biển…

Toàn huyện Phú Tân hiện có khoảng 233 ha nuôi sò huyết với 116 hộ, tập trung nhiều ở xã Việt Thắng (210 ha, 100 hộ) nuôi trong vuông.

Riêng chủ trương nuôi sò huyêt trên bãi bùn cửa sông Bảy Háp, hiện tại, UBND huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) đã bổ sung diện tích khu vực nuôi sò huyết vào Ðiều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 87/QÐ-UBND ngày 3/8/2020 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 41/QÐ-UBND ngày 24/3/2020.

Tìm kiếm