Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Xác định độ nhạy kháng sinh trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Xác định độ nhạy kháng sinh trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Home Tin Tức Xác định độ nhạy kháng sinh trong nuôi tôm thẻ chân trắng
Xác định độ nhạy kháng sinh trong nuôi tôm thẻ chân trắng
23/09/2023
78 Lượt xem

Chia sẻ với:

Xác định độ nhạy kháng sinh trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Trong nuôi tôm, sử dụng kháng sinh đã hình thành như một thói quen khó thay đổi của người nuôi. Các loại kháng sinh và tỷ lệ sử dụng cao như Amocxicillin, tỷ lệ sử dụng trong nuôi tôm là 73,33%, tiếp theo là Ceftazidime 66,67%; Colistin 33,33%.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng kháng sinh, tính kháng thuốc của vi khuẩn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng thuốc, vấn đề này ít được người sử dụng quan tâm. Lạm dụng kháng sinh, gây ra hiện tượng kháng thuốc, nên không đạt được mục tiêu sử dụng như kỳ vọng, gây thiệt hại kinh tế cho hộ nuôi tôm. Tần suất kháng thuốc của một số kháng sinh như Ceftazidime chiếm tỷ lệ 100%; Amocxicillin tần suất kháng 97,06%; Colistin tần suất kháng 74% và Erythromycin tần suất kháng 65%; Cephalexin 44,12%.

Sử dụng kháng sinh thường xuyên, không giải độc gan sau thời gian dài sử dụng thuốc, đã tác động xấu đến sức khoẻ, phát triển tôm nuôi, đặc biệt là giảm giá trị hàng hoá nếu khi thu hoạch, kiểm tra, tôm nhiễm kháng sinh.

Tôm dùng nhiều kháng sinh trong quá trình nuôi có hiện tượng chậm lớn, chai còi, phân đàn, nuôi thời gian kéo dài khó đạt kích thước hàng hoá. Đồng thời, nếu sử dụng nhiều để điều trị bệnh, gan teo, hoặc gan chai cứng, mất dần chức năng tiết dịch tiêu hoá, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá và sức khoẻ tôm.

Nguy hại hơn, sử dụng thường xuyên, hình thành các chủng vi khuẩn có hiện tượng kháng thuốc. Việc điều trị bệnh tôm không mang lại kết quả, kéo dài thời gian điều trị, tốn kém chi phí, công sức, mất thời gian vàng trong điều trị, bệnh diễn biến nặng hơn.

Sử dụng phương pháp kháng sinh đồ, đơn giản, dễ thực hiện, nhanh chóng xác định kháng sinh có khả năng kháng khuẩn tốt nhất, hạn chế vi khuẩn kháng thuốc, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả điều trị…

Phương pháp sử dụng đĩa giấy kháng sinh (khoanh giấy kháng sinh), trong kỹ thuật làm kháng sinh đồ, xác định độ nhạy của kháng sinh với vi khuẩn gây bệnh tôm cho hiệu quả cao.

Trong cùng một đĩa thạch môi trường TCBS hay Chrom…, kỹ thuật viên thuỷ sản có thể tra (đặt) cùng lúc nhiều đĩa kháng sinh khác nhau lên mặt thạch. Sau khi nuôi cấy 24 – 48 giờ ở nhiệt độ phòng, để vi khuẩn phát triển.

Thông qua vòng kháng khuẩn (vòng vô khuẩn) của từng kháng sinh, xác định kháng sinh nào sử dụng hiệu quả nhất trong quá trình điều trị, kháng sinh nào đã bị vị khuẩn kháng, hoặc giảm khả năng điều trị.

Tuy nhiên, mua đĩa kháng sinh giấy tại một số tỉnh, thành, chưa phổ biến. Mặt khác, đĩa kháng sinh giấy phải được bảo quản ở nhiệt độ mát, từ 5 – 80C, dễ sai lệch kết quả nếu bảo quản không tốt.

Các kháng sinh Sulfonamide, Trimethoprim, Tetracyclin, ức chế thấp với phương pháp này. Môi trường có chứa số lượng quá lớn kháng sinh Thymidine hoặc Thymine, có thể dẫn đến ức chế kháng sinh Sulfonamide, Trimethoprim, làm cho vòng vô khuẩn nhỏ hơn, thậm chí không có vòng vô khuẩn, dẫn đến kết quả sai lệch.

Mỗi loại có phổ tác dụng nhất định với từng loại vi khuẩn, chọn không đúng đĩa kháng sinh, dẫn đến kết quả sai. Khi thao tác, dùng kim đầu nhọn, nhíp, đặt nhẹ khoanh giấy kháng sinh cho tiếp xúc đều trên mặt thạch.

Khoảng cách giữa các khoanh giấy kháng sinh là 24 mm, cách rìa đĩa thạch 15 mm. Như vậy, đĩa thạch đường kính 10 cm, có thể đặt 5-6 khoanh giấy kháng sinh. Thao tác sai, đặt đĩa kháng sinh không đảm bảo khoảng cách trên, dẫn đến kết quả sai.

Phương pháp đục lỗ đĩa thạch (tạo giếng) thao tác đơn giản, chủ động, dễ thực hiện, phù hợp với thực tế sử dụng kháng sinh hiện nay tại các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Kỹ thuật thao tác ban đầu, giống phương pháp sử dụng đĩa giấy kháng sinh (khoanh giấy kháng sinh).

Tuy nhiên, sau khi cấy dịch chiết lọc từ máu, mang, gan tuỵ, dịch ruột…của tôm bệnh lên mặt đĩa thạch. Cố định đĩa thạch đã cấy trong thời gian 2 – 3 giờ, ở nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh, cho dịch đã cấy khuếch tán đều lên môi trường thạch, mặt thạch. Khi mặt thạch đã khô, dùng ống hút đã khử trùng hoặc que cấy khuẩn, đục các lỗ giếng đường kính 0,5 cm, tra kháng sinh vào giếng.

Đối với kháng sinh và liều lượng pha, căn cứ vào thực tế. Hộ nuôi đang sử dụng kháng sinh nào, tiến hành làm kháng sinh đồ kháng sinh đó. Liều pha căn cứ vào liều sử dụng kháng sinh của hộ nuôi, khi trộn thức ăn hay đánh trực tiếp vào môi trường nước điều trị bệnh tôm...

Ví dụ, hộ nuôi sử dụng kháng sinh trộn thức ăn liều 5 g/kg thức ăn, khi pha làm kháng sinh đồ, liều 5 g/1.000 ml (1 lít) nước (nguồn nước pha kháng sinh bao gồm nước lọc, nước suối,…)

Tiến hành tra kháng sinh vào giếng, liều lượng tra từ 0,2 – 0,3 ml. Tất cả các thao tác trên đĩa như cấy dịch, tra kháng sinh, được thực hiện quanh ngọn đèn cồn, phòng thí nghiệm, phòng kín…đã qua khử khuẩn, tránh khuẩn tạp từ môi trường. Sau khi thực hiện xong các công đoạn, tiến hành nuôi cấy 24 – 48 giờ ở nhiệt độ phòng, để vi khuẩn phát triển. Thông qua vòng kháng khuẩn (vòng vô khuẩn) của kháng sinh, xác định kháng sinh còn sử dụng hiệu quả trong quá trình điều trị, hay đã bị vị khuẩn kháng, hoặc giảm khả năng điều trị…

Có thể đục nhiều giếng trên cùng một đĩa, tra nhiều loại kháng sinh khác nhau cùng lúc, thông qua vòng kháng khuẩn để so sánh, xác định kháng sinh nào khả năng điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kháng sinh nào giảm khả năng điều trị, kháng sinh nào bị vi khuẩn kháng.

Kháng sinh có vòng kháng khuẩn lớn nhất, là dùng điều trị vi khuẩn hiệu quả cao. Khi bà con sử dụng kháng sinh điều trị bệnh tôm, cần thiết thực hiện kháng sinh đồ hoặc xác định dùng điều trị vi khuẩn hiệu quả cao nhất, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng hiệu quả điều trị.

Tìm kiếm