Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Xuất khẩu cá tra: Kỳ vọng thị trường mới

Xuất khẩu cá tra: Kỳ vọng thị trường mới

Home Tin Tức Xuất khẩu cá tra: Kỳ vọng thị trường mới
Xuất khẩu cá tra: Kỳ vọng thị trường mới
03/01/2014
34 Lượt xem

Chia sẻ với:

Xuất khẩu cá tra: Kỳ vọng thị trường mới

Trong khi thị trường truyền thống xuất khẩu cá tra là Mỹ và EU được dự báo “sẽ tăng nhưng tốc độ chậm” trong năm 2014, thì ngành cá tra đang rẽ sang tìm nhiều thị trường mới. Trong đó, Hong Kong, Trung Quốc được xem là thị trường tiềm năng.

Triển vọng mới
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, chỉ giảm 0,5% so với cùng kỳ nhưng thị trường xuất khẩu mở rộng thêm 9 quốc gia, nâng tổng số lên 149 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Cá tra vẫn duy trì vị trí xuất khẩu thứ hai sau tôm và chiếm 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thua lỗ kéo dài, không còn vốn đầu tư nên hiện số hộ nuôi cá tra riêng lẻ còn rất ít mà chủ yếu do doanh nghiệp chế biến đầu tư nuôi hoặc liên kết với hộ dân. Điều này, theo ông Trương Đình Hòe “là hợp lý vì có thể cân đối cung cầu nguyên liệu cá tra cho năm 2014”.
Còn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng sẽ biết tự cân đối nguồn nguyên liệu, không để tình trạng phát triển diện tích nuôi ồ ạt khi khan hiếm thị trường như đã từng xảy ra những năm trước đây.
Năm 2014, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam giảm khoảng 5% so năm 2013 nhưng nhìn chung nhập khẩu cá tra vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng nước ngoài. Hiện tốp 8 thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam gồm: EU, ASEAN, Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong, Mexico, Brazil, Colombia, Arabia Saudi chiếm đến 74,8%.
Theo đó, xuất khẩu cá tra sang Brazil trong 10 tháng năm 2013 đạt gần 92 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ và những dấu hiệu cho thấy nhu cầu của thị trường tuy khó tăng thêm, nhưng vẫn tiếp tục ổn định.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong đã tăng gần 24% và xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng. “Nhu cầu tiêu dùng cá tra tại Châu Á, Mỹ Latin sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, do cá tra phi lê chúng ta giá cả phải chăng nên kỳ vọng thị trường xuất khẩu năm 2014 sẽ tốt hơn.”- ông Trương Đình Hòe nói thêm.
Chưa được khai thác hết
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa- Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khó khăn lớn nhất của nghề nuôi cá tra thời gian qua do phát triển nóng và thiếu quy hoạch, diện tích nuôi tăng nhanh, doanh nghiệp chế biến phát triển tràn lan nhưng nguyên liệu chế biến thức ăn lệ thuộc 70- 80% vào nhập khẩu.
Tuy nhiên, đáng quan tâm nhất là sản phẩm cá tra hiện rất đơn điệu, có đến 99% là phi lê và chỉ tập trung xuất khẩu mà gần như “quên” những phụ phẩm khác.
Điều này, ông Lê Thanh Thuấn- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Sao Mai An Giang dẫn chứng, chế biến cá tra thành sản phẩm đông lạnh xuất khẩu chỉ lấy 1/3 khối lượng nguyên liệu đầu vào, phần còn lại đầu xương cá, da cá, thịt vụn cá, máu cá,… chưa được tận dụng triệt để.
Vì lẽ đó, theo ông Thuấn, mới đây công ty đã đầu tư 15 triệu USD xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá với công suất ban đầu là 100 tấn mỡ thô/ngày, sau 3 năm nâng công suất tinh luyện lên 200 tấn mỡ thô/ngày. Nếu sản lượng nuôi cá tra tại ĐBSCL là 1 triệu tấn như hiện nay thì mỗi năm nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 1/3 lượng mỡ cá tra của ĐBSCL.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Phú Son- Đại học Cần Thơ, trong quá trình sản xuất và tiêu thụ cá tra, công tác quy hoạch, dự báo chưa tốt, sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu hệ thống thông tin thị trường,…
Để giải quyết khó khăn này, theo ông Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin đủ sức cung cấp một cách chính xác, kịp thời, đầy đủ, minh bạch các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ cá tra; thể chế mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi thông qua hợp đồng cũng như cơ chế tín dụng ngân hàng.
Ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đã đề xuất Nhà nước điều chỉnh cơ chế liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại đối với cá tra giai đoạn 2014- 2020. Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý và tiêu thụ cá tra; ban hành chính sách xây dựng các trung tâm phân phối, kênh phân phối hàng thủy sản trong ngoài nước; thành lập quỹ xúc tiến thương mại cá tra.
Đến cuối tháng 11/2013, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL là 4.679ha, chỉ bằng 87% so cùng kỳ, đã thu hoạch 3.638ha, sản lượng 1 triệu tấn. Ước giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD.
Tìm kiếm