Từ đầu năm đến nay giá cá tra nguyên liệu liên tục lao dốc không phanh xuống mức 17.000 đồng/ kg, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân được nêu ra là do dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn hoạt động giao thương. Nhưng, con cá tra đã "rớt" từ lâu trước khi COVID-19 hoành hành.
Xuất khẩu lao dốc
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, tại các khu chợ, dọc các con đường trong khu vực ĐBSCL, người ta dễ dàng nhìn thấy nhiều đệm cá tra được bày bán lẻ. Nhất là ở Kiên Giang, cá tra được rải ra nhiều điểm dọc hai bên đường để bán với giá giao động từ 17.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Việc này là để giải quyết tình thế cá quá lứa, không ai mua, phải ra “nằm đường”.
Tỉnh Hậu Giang có vùng cá nguyên liệu tại thành phố Ngã Bảy, hiện tại trên toàn địa bàn có 300 tấn cá trong giai đoạn quá trọng lượng nhưng chưa tiêu thụ được. Số tròn tuổi đến ngày xuất bán thì bị bỏ đói để cầm cự, giảm hao chi phí và chờ giá cùng thương lái đến cân với số lượng lớn.
Mỗi ngày cá tuồn ra bán lẻ khắp nơi từ Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang nhưng cũng tầm 3 – 4 tấn. Người nuôi đã thấm lỗ 5.000/kg cá trong mấy tháng qua, kinh tế cũng theo đó lao dốc.
Ông Nguyễn Tấn Phong – Giám đốc Hợp Tác Xã Đại Thắng, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Bây giờ giải cứu mấy con cá huốt size, chứ còn mấy con còn trong size thì không cho ăn, giữ trong ao. Ở Hậu Giang có mấy công ty đến mua mua nhưng ít lắm, mục đích mua để hoạt động cầm chừng giữ công nhân. Nhiều hộ vay vốn ngân hàng nuôi, trong khi 1 ao cá 7 tháng xuất bán mà bây giờ 16 tháng rồi chưa xuất được đi đâu, lãi ngân hàng gần cả trăm triệu, mà ngân hàng thì nó không khoanh nợ".
ĐBSCL hiện đang có 1,42 triệu tấn cá tra, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 456 triệu USD, giảm tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái (Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2019 đạt 2 tỷ USD). Nguyên nhân do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh.
Không chỉ do dịch COVID-19
Tuy nhiên, làm phép so sánh cùng một thời điểm xuất khẩu cá tra lao dốc thì hạt gạo và con tôm lại chiếm ưu thế. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,71 tỷ USD, tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với nửa đầu năm 2019. Đồng ý với những tác động khách quan của dịch bệnh đã và đang làm đứt gãy thắt chuỗi giá trị sản phẩm và dịch vụ.
Nhưng diện mạo con cá tra đã được ngành kinh tế soi rọi từ nhiều năm trước thông qua dấu hiệu khốn đốn của người nuôi, vỡ nợ của các đại gia trong ngành cá tra. Gần nhất là năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đã sụt giảm gần 12%. Như vậy Covid-19 chỉ là “cú nhồi” khiến người nuôi, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rơi vào cảnh “ngất ngư”.
Đã đến lúc nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cần thẳng thắn nhìn nhận điểm nghẽn trong “đường bơi” của con cá tra. Trong 20 năm, cá tra xuất khẩu cũng chỉ đơn điệu với sản phẩm phi lê, chưa có nhiều đột phá sản phẩm giá trị gia tăng. Thay vì chờ đợi thế giới bình ổn sau dịch bệnh thì sản phẩm cá tra có thể tìm đường đi đến bàn ăn của người tiêu dùng ngay quê hương mình.
Thị trường nội địa hiện tại chỉ mới tiêu thụ 2% sản lượng cá tra, trong khi gần 100 triệu dân Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp nhận. Như vậy chuyển hướng nội địa là xu thế được ủng hộ hiện nay của thị trường cá tra.
Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc chi nhánh Phòng Thương Mại và công Nghiệp Việt Nam TP Cần Thơ cho biết: “Trong thời gian dài các doanh nghiệp tập trung cho xuất khẩu, Việt Nam đã đẩy lùi dịch bệnh thì đây là cơ hội để doanh nghiệp quay ngược lại với thị trường nội địa, có cơ cấu sản xuất kinh doanh và tính toán tỉ lệ xuất khẩu với tỉ lệ hàng nội địa. Hiện nay một số ngành du lịch dịch vụ cũng phối hợp chuyển hướng nội địa. Bây giờ và cả sau này với dân số gần 100 triệu dân thì thị trường này có sức tiêu thụ luôn lớn”.
Cần nhìn nhận những nguyên nhân thực sự dẫn đến khó khăn
Hiện tại nhà sản xuất Việt Nam vẫn đang nắm giữ hơn 90% thị phần cá tra toàn cầu, đồng nghĩa với việc nắm giữ độc quyền cung ứng sản phẩm cá tra cho cả thế giới tiêu dùng. Nhưng khi sản phẩm cá tra phi lê của Việt Nam qua khỏi cửa hải quan đã lệ thuộc hoàn toàn vào hệ phân phối của đối tác với một phân khúc giá trị mới lớn hơn nhiều cái mà nhà sản xuất được hưởng.
Thời gian qua không ít doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thoái lỗ và trốn biệt tích để lại khoản nợ khổng lồ cho người nuôi cũng là lí do thu hẹp đường đi của ngành kinh tế này
Theo các chuyên gia kinh tế nên tái cấu trúc mạnh mẽ và toàn diện. Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp – Chuyên gia kinh tế ĐBSCL góp ý: “Thay vì chúng ta chạy theo xuất khẩu, xuất khẩu tốt thì điều tốt, nhưng trong khi gần 100 triệu dân là một thị trường đang bị bỏ ngỏ nên ta phải tiếp cận thị trường nội địa. Vấn đề kế tiếp, đòi hỏi ta nên sáng tạo, lâu nay mấy phụ phẩm chế biến cá tra: Đầu, mỡ, xương và máu chưa được tận dụng như một “mỏ vàng”.
Phụ phẩm nó chiếm đến 20% thành phần con cá tra, mới đây các doanh nghiệp đã tận dụng và cho ra 1 chuỗi giá trị sản phẩm mới từ cá tra như: Dầu ăn của tập đoàn Sao Mai An Giang, Collagien của Đồng Tháp… Rồi còn nghiên cứu chế biến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh mà giá trị tăng lên hàng trăm lần.
Trong 20 năm xuất ngoại, con cá tra ĐBSCL đã “bơi” ra 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu thế giới, chiếm hơn 90% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu. Ngành kinh tế này có lúc đóng góp khoảng 2% GDP quốc gia, tạo việc làm cho hàng chục triệu công nhân, người nuôi và lao động phụ trợ.
Tuy nhiên lịch sử đang tái diễn chu kỳ khó khăn của ngành xuất khẩu cá tra. Bị mắc cạn từ đầu năm 2019, sang năm 2020 lại bị “cú đấm bồi thêm” do tác động của dịch bệnh COVID-19. Thế nên Hiệp hội nghề cá và các liên ngành cần nhìn nhận những nguyên nhân thực sự dẫn đến khó khăn này để có bước tái cấu trúc mới.
Có như vậy mới tránh được nguy cơ làm đổ vỡ một ngành kinh tế từng tỏa sáng ánh hào quang vùng châu thổ Cửu Long.