Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Xuất khẩu tôm 2014: Cơ hội và Thách thức

Xuất khẩu tôm 2014: Cơ hội và Thách thức

Home Tin Tức Xuất khẩu tôm 2014: Cơ hội và Thách thức
Xuất khẩu tôm 2014: Cơ hội và Thách thức
31/01/2014
32 Lượt xem

Chia sẻ với:

Xuất khẩu tôm 2014: Cơ hội và Thách thức

Thắng lợi trong năm 2013

Theo Tổng Cục Thủy sản (TCTS), năm 2013 đánh dấu sự phục hồi sản xuất của ngành nuôi tôm nước lợ, được mùa, được cả giá và kiểm soát tốt dịch bệnh, xác định được hướng phát triển rõ ràng, là mở rộng nuôi và XK tôm chân trắng. Từ tháng 8/2013, XK tôm chân trắng với giá trị 180-190 triệu USD/tháng, đã vượt tôm tôm sú, tăng gấp 3 lần so với cùng thời điểm năm ngoái và chiếm 54-56% tổng giá trị XK tôm.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tại Hội nghị Tổng kết XK tôm 2013 tổ chức ở Tp HCM ngày 03/01/2014 vừa qua, giá trị XK tôm Việt Nam đạt trên 2,8 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng giá trị XK tôm năm 2013 đạt trên 3 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2012. XK tôm tăng mạnh không chỉ bù đắp cho sự sụt giảm XK những mặt hàng thủy sản khác, mà còn giúp XK thủy sản nói chung vượt mục tiêu 6,5 tỷ USD đã đề ra.

Trong năm 2013 công tác quản lý môi trường và dịch bệnh trên tôm nuôi được thực hiện tốt, đã kiểm soát được bệnh hoại tử gan tụy cấp, góp phần quan trọng vào sự thành công của vụ nuôi. Tính đến nay, cả nước có khoảng 68.099 ha diện tích tôm nuôi bị bệnh (bằng 84,7% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 10,4 % diện tích nuôi tôm). Trong đó, diện tích nuôi tôm bị bệnh hoại tử gan tụy là 6.842,2 ha, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011 và 2012  (chỉ bằng 24,4% so với cùng kỳ 2012, chiếm 1,0% diện tích nuôi tôm nói chung).

Vào tháng 9/2013, ngành tôm Việt Nam cùng lúc nhận được 2 quyết định quan trọng và có nhiều ý nghĩa từ thị trường Mỹ. Đó là kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 7 (POR7), theo đó, toàn bộ 33 DN Việt Nam đều được công nhận không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ và nhận mức thuế CBPG là 0%. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) phủ quyết quyết định áp thuế chống trợ cấp 4,52% của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với tôm Việt Nam và 6 nước khác trong vụ kiện chống trợ cấp do ngành tôm nội địa Mỹ khởi xướng vào cuối tháng 12/2012. Ngay sau quyết định của ITC, NK tôm vào Mỹ tăng “chóng mặt”. Tháng 10/2013, NK tôm Việt Nam vào thị trường này tăng 104% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là thành công và thắng lợi lớn nhất đối với ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung trong năm 2013.

Cơ hội lớn trong năm 2014

Năm 2013 vừa qua cũng đánh dấu sự phục hồi nhanh chóng của thị trường EU và Nhật Bản, hai thị trường XK tôm quan trọng của Việt Nam. Một mặt, do kinh tế khu vực Eurozone từ nửa cuối năm 2013 đã phần nào thoát khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Mặt khác nỗ lực từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng DN chế biến và XK tôm Việt Nam trong kiểm soát dư lượng ethoxyquin đã có tác động tích cực đến phía Nhật Bản. Nước này đã xem xét nới lỏng mức kiểm tra dư lượng hóa chất này so với mức hiện nay.

Bên cạnh đó, năm 2013, nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của EMS, trong khi tiêu thụ tôm trên thị trường Trung Quốc tăng, khiến giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh. Việt Nam, Inđônêxia và Ấn Độ trở thành nguồn cung tôm thay thế nhờ sản lượng tôm của cả các nước này đều tăng. Những yếu tố trên đã, đang và sẽ hậu thuẫn cho XK tôm Việt Nam trong thời gian tới.

Mặt khác, thống kê Hải quan cho thấy, 11 tháng đầu năm 2013, tỷ trọng tôm chân trắng XK sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU đều tăng, tương ứng từ 44,2%, 69,7% và 52,5%.  Theo xu hướng đó, năm 2014, hoạt động nuôi tôm chân trắng sẽ gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam, sự tham gia của các hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ nhiều hơn. Dự báo, sản lượng tôm chân trắng năm 2014 tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 20%, đạt khoảng 300.000 tấn

Ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Cty Thuận Phước (Đà Nẵng), cho biết, ở miền Trung, nhiều hộ mấy năm trước bỏ trống ao tôm do làm ăn thua lỗ, nay lại đang ồ ạt thả nuôi trở lại. Nhiều hộ khác do thấy giá tôm cao nên cũng đã tranh thủ đào ao nuôi tôm. Do đó, nguồn cung tôm nguyên liệu được xem là sẽ khá dồi dào trong năm nay.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản dự báo, tôm Việt Nam vẫn có cơ hội XK với giá tốt trong nửa đầu năm nay. Ông khẳng định: “Vừa qua, khi tham quan ngành tôm Ấn Độ, tôi nhận thấy mùa vụ tôm ở nước này trễ hơn ở Việt Nam 1 - 1,5 tháng. Trong khi đó, tuy nuôi tôm ở Trung Quốc, Thái Lan… sẽ phục hồi sau EMS, nhưng chưa thể được như trước đây, mà phải mất ít nhất 2 năm nữa. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá tôm XK của Việt Nam vẫn còn cao, nếu có giảm thì mức giảm cũng chưa đáng kể”.

Nhưng thách thức cũng không nhỏ

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng ngành tôm vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết triệt để mới có thể duy trì mức tăng trưởng cao cũng như hướng tới phát triển bền vững.

Theo thống kê Hải quan, XK tôm sang Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2013 tăng mạnh, đạt 349 triệu USD, tăng 53%. Tuy vậy, tỷ trọng tôm nguyên liệu (tươi/đông lạnh/ướp lạnh) lại chiếm tới 94%, XK tôm chế biến chỉ chiếm 6%. Trong khi đó, DN Việt Nam không “đủ sức” cạnh tranh với giá thu mua tôm của thương lái gom hàng xuất đi Trung Quốc.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, thương lái mua tôm xuất sang Trung Quốc không cần quan tâm đến kháng sinh, điều kiện về chất lượng rất dễ mà giá mua lại cao, nên nhiều người nuôi đã chủ quan, lạm dụng kháng sinh bừa bãi trong nuôi tôm. Điều này nguy hiểm ở chỗ, nếu không có các biện pháp phòng chống, xử lý sớm, khi sản xuất tôm của các nước khác phục hồi, thị trường NK có đủ nguồn cung sẽ quay lại siết chặt kiểm tra chất lượng, mà trước hết là kháng sinh và tạp chất, lượng tôm kém chất lượng trên sẽ không thể tiêu thụ được, người nuôi thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Mặt khác, hậu quả từ việc cạnh tranh không nổi với thương lái nước ngoài trong thu mua tôm nguyên liệu cũng buộc các DN phải gia tăng NK tôm từ nước ngoài, như Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là các DN đang phải chịu mức thuế NK cao (10%) và theo văn bản dự thảo mới đây của Bộ Tài chính thì thuế NK các loài tôm phục vụ XK chính (tôm sú và tôm chân trắng) sẽ tăng thêm 2% vào năm 2014, nhằm bảo hộ và khuyến khích nuôi trong nước. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các DN tôm Việt Nam.

Ngoài ra, tình trạng bơm chích tạp chất (agar) vào tôm nguyên liệu đang tiếp tục là mối lo lắng lớn của các DN chế biến XK tôm. Ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết, hiện nay việc bơm tạp chất không còn lén lút nữa mà công khai thực hiện với nhà xưởng cùng hàng trăm công nhân làm việc.

Ông Lê Văn Quang, TGĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhận định, tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã tới mức báo động đỏ. Vì nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ… đã phản ứng với các DN Việt Nam về vấn đề này. Do đó, đã đến lúc phải công khai  quyết liệt đấu tranh với tình trạng này.

Để chuẩn bị tốt cho sự phát triển năm 2014, sản xuất tôm rất cần sự quan tâm kiểm soát chất lượng chặt chẽ (kháng sinh, tạp chất, dịch bệnh...), kiểm soát nguồn nguyên liệu và tạo điều kiện hỗ trợ cho DN sản xuất chế biến (vốn , thuế XNK, rào cản thương mại...).

Với những thuận lợi và cơ hội lớn trong năm 2014, mốc giá trị XK 3,5 tỷ USD như kỳ vọng của các DN sẽ không phải là xa vời mà là mục tiêu hoàn toàn khả thi.

Trần Duy

Tìm kiếm