Chia sẻ với:
Xuất khẩu tôm 2017: Kỳ tích!
- Với kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2016, ngành tôm Việt Nam đã tạo ra cột mốc mới về sản xuất, xuất khẩu đồng thời chuyển mạnh sang nuôi trồng bền vững nhằm tạo đà cho việc chiếm lĩnh các thị trường trong các năm tiếp theo.
Tôm là đối tượng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Ảnh: Thanh Cường
Phát triển vững chắc tại EU
Ngành tôm thế giới trong những năm qua có nhiều biến động và dần bước vào cuộc cạnh tranh rất quyết liệt, khi nhiều nước châu Á tập trung nuôi trồng và xuất khẩu tôm. Giá tôm biến động, nguồn cung không ổn định, ngoài ra, thời tiết, dịch bệnh cũng đe dọa đến sự phát triển của ngành tôm.
“Cơn bão” dịch bệnh hóa ra đã kéo dài hơn dự kiến của giới chuyên môn, ngoài ra tình trạng lũ lụt cũng khiến các vùng nuôi châu Á chìm đắm trong thiệt hại. Sau nhiều năm, ngành tôm Thái Lan tin tưởng vào tăng trưởng dự kiến 4%, nhưng lũ lụt đã khiến cho Thái Lan bị thiếu tôm nguyên liệu. Xuất khẩu tôm của Thái Lan sang châu Âu giảm 10,6% xuống còn 6.663 tấn với giá trị 2,55 tỷ baht.
Trong hoàn cảnh đó, xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường EU tăng trưởng rất mạnh. Năm 2017, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 862,8 triệu USD, tăng 43,7% so cùng kỳ năm 2016 và EU vươn lên là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam (chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam). Xuất khẩu sang Hà Lan tăng 70,5% đạt 224,2 triệu USD; tiếp đó là Anh và Đức lần lượt có tốc độ tăng 55,5% và 52,1%.
Lý giải cho thành công của xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU, các chuyên gia cho rằng việc Việt Nam triển khai các chương trình kiểm soát sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm năm 2017 tỏ ra hết sức hiệu quả. Ngoài ra, việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện các quy trình nuôi tôm hiện đại… giúp cho ngành tôm Việt Nam cung ứng cho thị trường EU nguồn tôm ổn định, chất lượng và không nhiễm kháng sinh. Uy tín và thương hiệu tôm Việt Nam an toàn không kháng sinh đang rất hấp dẫn khách hàng các nước khó tính tại EU.
Thị trường Trung Quốc trỗi dậy
Trong năm 2017 xuất hiện hiện tượng trong các triển lãm hội chợ về thủy sản, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mạnh tay “vơ vét” các sản phẩm từ Việt Nam, nhất là mặt hàng tôm. Thực chất đất nước đông dân này đang “khát tôm”, trong năm 2017 họ cũng nhập từ thị trường Thái Lan với mức tăng trưởng tăng tới 56,1% so với năm 2016 (khoảng 6.593 tấn).
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc năm 2016 của Việt Nam tăng 23% đạt 431 triệu USD. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc của Việt Nam năm 2017 có mức tăng tới 56,8% đạt 683,1 triệu USD.
Khách hàng Trung Quốc so sánh tôm Việt Nam với tôm Ấn Độ, Thái Lan và chung nhận xét rằng giá thành sản xuất của Việt Nam đang cao hơn từ 10 - 30% nhưng chất lượng tôm Việt Nam tốt hơn, tôm Việt Nam ngon hơn nhiều nước trong khu vực, điều đó khiến tôm Việt Nam rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Kể từ ngày 1/12/2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc được giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh, do đó VASEP dự báo nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của tôm Việt Nam ngay trong năm 2018.
Thời cơ vàng
Ngành tôm Việt Nam đang phấn đấu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15% mỗi năm. Nhưng với mức tăng trưởng khoảng 22%/năm như đã đạt được trong năm 2017, có thể Việt Nam sẽ cán mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trước năm 2025.
Có thể nói, năm 2018 và những năm tiếp theo là “thời cơ vàng” của ngành tôm Việt Nam. Việc các thị trường giảm thuế sẽ giúp cho giá tôm Việt Nam tiêu thụ trên các thị trường giảm xuống và người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với tôm Việt Nam.
Thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ giữ mức tăng trưởng cao, do các vùng nuôi của Trung Quốc đang bị tàn phá bởi bão lũ và dịch bệnh. Nhiều chuyên gia cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc sẽ sớm đạt con số hàng tỷ USD trong thời gian không xa.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản sau nhiều năm tạm dừng do các hàng rào kỹ thuật đã tăng trưởng trong năm 2016 và tăng mạnh trong năm 2017. Năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 704,1 triệu USD; tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2016. Nhật Bản chiếm 19,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn gặp khó khăn nhất. Tuy nhiên, tình hình dần được cải thiện. VASEP cho biết kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ lũy kế 8 tháng đầu năm 2017 đạt 416 triệu USD, giảm chỉ còn 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn tiếp tục xếp vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với giá trị 659,2 triệu USD, giảm 7% so với năm 2016.
Việc xuất khẩu tôm sang Mỹ gặp khó khăn chủ yếu do hàng rào thuế quan và các hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, cũng tương tự như thị trường Nhật Bản, khi chất lượng và thương hiệu của ngành tôm Việt Nam ngày càng được khẳng định thì việc thị trường Mỹ “cởi mở” hơn với tôm Việt Nam và kim ngạch đạt mức tăng trưởng cao là điều sớm xảy ra. Các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ cũng hy vọng xuất khẩu tôm vào nước này sẽ tăng trưởng nhanh trong năm 2018.
Chủ động nguyên liệu
Bài toán đặt ra là liệu Việt Nam có duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 20% trong năm 2018 hay không? Chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu cũng như sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp và hiệp hội trong việc phát triển sản xuất, ứng phó với biến đổi của môi trường. Giảm giá thành và tăng năng suất cũng là bài toán đặt ra đối với các vùng nuôi.
Sức ép về tôm nguyên liệu là không nhỏ đối với các nhà máy. Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm ổn định khoảng 278.000 ha; tuy nhiên, năm 2017 tỉnh đã phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gần 400 ha, năng suất bình quân trên 22 tấn/vụ/ha, cá biệt có hộ 30 tấn/vụ/ha và sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn. Nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang dần phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu dồi dào và ổn định cho các nhà máy. Cà Mau định hướng năm 2020, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt 27.800 ha và trên 10.000 ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận. Đây là xu hướng nuôi tôm bền vững, kết hợp nuôi tôm với việc bảo vệ và phát triển rừng.