Gan nhiễm mỡ là hiện tượng tích tụ quá nhiều chất béo ở gan, gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Chuyên gia khuyến cáo cho người bị gan nhiễm mỡ nên dùng theo đợt những món ăn từ cá giúp chữa trị và ngăn ngừa bệnh...
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ là do cảm phải thấp nhiệt tà, làm cho can khí uất kết không sơ tiết được hoặc do ăn uống thất điều, lao lực quá mức kết hợp uống rượu gây rối loạn công năng vận hóa của Tỳ, thủy dịch đình đọng mà sinh thấp hóa nhiệt.
Giảm cân và tập thể thao, thay đổi chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh là cần thiết để điều trị gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, một chế độ ăn phù hợp, hạn chế chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa (bơ, dầu, mỡ, sốt mayonnaise; mỡ và da từ thịt và gia cầm,…), sử dụng lượng đạm vừa đủ từ cá và gia cầm giúp cải thiện bệnh.
Cá lóc hấp cách thủy
Nguyên liệu: Cá lóc tươi 300g, đậu đỏ 50g, vỏ quýt tươi 6g.
Cách chế biến: Cá lóc làm sạch, đậu đỏ giã dập, vỏ quýt thái nhỏ, gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào bát to hấp cách thủy. Ăn cái uống nước, ăn vào lúc đói. Ăn liền trong 7-10 ngày.
Tác dụng: Cá lóc nhiều thịt nạc mềm, ít mỡ, vị ngọt, tính bình, có tác dụng kiện tỳ, lợi thủy, khử ứ sinh tân theo y học cổ truyền, là món ăn bổ dưỡng chữa gan nhiễm mỡ.
Cá trắm nấu rau cần
Nguyên liệu: Cá trắm 1 con (500g), rau cần, gia vị vừa đủ.
Cách chế biến: Cá trắm làm sạch ướp gia vị, đổ 3 bát nước vào nồi, đun lửa to cho đến khi sôi, cho cá vào, đậy vung, đun sôi tiếp trong 5 phút, đun nhỏ lửa thêm khoảng 10 phút, cá chín, cho rau cần vào. Dùng làm món ăn trong bữa cơm, ăn lúc canh đang nóng.
Tác dụng: Cá trắm có nhiều chất dinh dưỡng cần thiết đối với người mắc bệnh về gan. Theo y học cổ truyền cá trắm tính bình, vị ngọt, có tác dụng điều hòa và tăng cường chức năng tiêu hóa, trừ phong thấp... là món ăn rất tốt đối với người bị gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn tính.
Cá diếc hầm táo tàu hỗ trợ trị gan nhiễm mỡ
Nguyên liệu: Cá diếc tươi 300g, táo tàu 10 quả, vỏ quýt tươi 6g.
Cách chế biến: Vỏ quýt cho vào túi vải. Cá diếc làm sạch ướp muối 15-20 phút rồi cho vào nồi hầm nửa tiếng cùng với táo tàu, vỏ quýt. Ăn cái, uống nước vào lúc đói.
Tác dụng: Cá diếc là một loài cá nước ngọt, có thịt dày, vị ngọt nhạt, tính ấm, có tác dụng bổ Tỳ, Vị, hành thủy tiêu thũng, kích thích tiêu hóa theo y học cổ truyền, giúp hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ.
Salad cá ngừ rau mầm
Nguyên liệu: Cá ngừ tươi 100g, rau mầm 100g, xà lách 100g, hành tây 1/4 củ, cải xoăn 50g, chanh 1 quả.
Cách chế biến: Rau mầm, xà lách và cải xoăn rửa sạch, sau đó vớt ra rổ để ráo. Hành tây cắt dạng múi cau. Cá ngừ cắt thành những miếng vuông nhỏ vừa ăn, rồi dùng giấy thấm bớt nước. Trộn đều các gia vị đã chuẩn bị sẵn gồm nước cốt chanh, siro bắp, tương ớt, giấm, nước, dầu mè, mè rang và muối. Cho tất cả các nguyên liệu đã sơ chế ra tô, rưới thêm xốt lên trên, trộn đều là có thể dùng rồi.
Tác dụng: Cá ngừ nhiều thịt, ít xương, giàu DHA, EPA và taurine, có tác dụng hạ mỡ máu, thúc đẩy tái sinh tế bào gan, bảo vệ gan, tăng cường chức năng bài tiết, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Cá tuyết hấp hành gừng
Nguyên liệu: Phi lê cá tuyết 400g, hành lá 5 cây, gừng 1 nhánh, sữa tươi không đường 200ml, ớt 1 trái, chanh 1 trái.
Cách chế biến: Rửa sạch phi lê cá tuyết dưới vòi nước rồi ngâm sữa 15 phút, sau đó dùng khăn giấy thấm sơ phần sữa dư rồi để cá ra đĩa. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, thái mỏng theo chiều dọc, sau đó ngâm trong nước đá lạnh khoảng 10-15 phút đến khi cọng hành cong lại. Gừng cạo sạch vỏ, thái mỏng.
Pha nước sốt gồm 4 muỗng cà phê nước tương và 1 quả chanh. Cho gừng sợi lên cá rồi rưới sốt lên. Cho nước vào chảo ngập đến phần đế đĩa rồi hấp cá với lửa vừa, giảm lửa nhỏ khi khi thấy hơi nước bốc mạnh.
Hấp cá trong khoảng 12 phút. Trong lúc hấp cá, bạn đun sôi lăn tăn 3 muỗng canh dầu ăn và 3 muỗng canh dầu mè. Sau khi tắt bếp, rưới hỗn hợp vừa đun vào đĩa cá.
Tác dụng: Cá tuyết thịt trắng và rời, giàu protein, vitamin B, phospho, selen, ít chất béo, có tác dụng giảm mỡ máu, điều hòa huyết áp, hạn chế tăng cân.