Chia sẻ với:
An Giang: Đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp
Với mục tiêu Xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống cá tra công nghệ cao, cung cấp con giống cá tra chất lượng cao cho toàn vùng ĐBSCL theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, thời gian gần đây, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp. Để hiểu hơn về mô hình liên kết sản xuất này, báo KD&PL đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với đồng chí Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang.
Phóng viên: Thưa đồng chí Trần Anh Thư, đồng chí có thể nêu một cách khái quát về mô hình liên kết Chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp của tỉnh An Giang?
Đ/c Trần Anh Thư: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 3/1/2017, An Giang đã ký thỏa thuận hợp tác 4 bên (Tổng cục Thủy sản - Sở NN&PTNT An Giang - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - Công ty CP Hùng Vương) về việc xây dựng chuỗi cung ứng giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (chuỗi cá tra giống 3 cấp).
Trong đó, Cấp I gồm Viện Nghiên cứu NTTS II cùng các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các trường Đại học có khả năng cung cấp đàn cá tra bố mẹ tuyển chọn các tính trạng tốt như tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt tốt; Cấp II là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và các trại giống liên kết sản xuất, cung cấp cá tra bột cho vùng ương; Cấp III là vùng ương giống sản xuất, cung cấp cá tra giống cho nuôi thương phẩm theo liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ với sự tham gia của DN chế biến cá tra XK làm hạt nhân của chuỗi liên kết. Vùng ương giống được Doanh nghiệp sản xuất thức ăn đầu tư đồng thời toàn bộ con giống cá tra của chuỗi sản xuất phải được doanh nghiệp bao tiêu theo giá sàn thỏa thuận từng thời điểm thu mua (năm 2017 giá sàn cá tra giống được công ty ký là 23.000/kg).
Có thể nói, chương trình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp của An Giang là một bước đi vững chắc. Viện Nghiên cứu NTTS II cung cấp cho Trung tâm giống Thủy sản An Giang đàn cá tra bố mẹ được tuyển chọn các tính trạng tốt như tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt tốt. Trung tâm giống Thủy sản An Giang sản xuất cung cấp cá tra bột chất lượng cao cho nông dân vùng ương giống. Nông dân vùng ương giống cung cấp giống cá tra giống cho vùng nuôi cá tra thương phẩm. Sản xuất tiêu thụ sản phẩm cá tra chế biến tiêu thụ xuất khẩu theo chuỗi liên kết từ cá tra bố mẹ, cá tra bột, cá tra giống và cá tra thương phẩm, có khả năng truy xuất được nguồn gốc đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Năm 2017 theo hợp đồng đã ký kết Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGIFISH) sẽ bao tiêu từ 75 triệu con đến 100 triệu con cá tra giống, kích cỡ cá tra giống từ 25-120con/kg. Giá thu mua theo giá thị trường, nếu giá thị trường thấp hơn giá sàn thì công ty thu mua theo giá sàn, giá sàn được các bên thống nhất là 23.000đ/kg (giá thành cá tra giống hiện nay dao động từ 21.000 đ/kg – 21.500 đ/kg) và giá là 24.000đ/kg (giá có chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP). Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Thắng cung cấp 100 % thức ăn cho chuỗi sản xuất và cung ứng giống 3 cấp từ quá trình nuôi vỗ đàn cá tra bố mẹ hậu bị đến quá trình sản xuất giống cá tra.
Phóng viên: Từ khi ký kết thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng chuỗi cung ứng giống cá tra 3 cấp đến nay, An Giang đã tổ chức triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả cụ thể nào?
Đ/c Trần Anh Thư: Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, cùng với sự quyết tâm hành động của lãnh đạo tỉnh An Giang trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giống cá tra 3 cấp mà từ khi bắt tay vào thực hiện đến nay, An Giang đã đạt được những kết quả bước đầu khá quan trọng:
Trong đó, về công tác tổ chức vận hành chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh An Giang đã Ban hành Quyết định số 126/QĐ-SNN&PTNT ngày 23 tháng 2 năm 2017 về việc thành lập tổ chuyên trách thực hiện chương trình giống cá tra 3 cấp gồm có 10 thành viên là cán bộ đang công tác tại Chi cục Thủy sản, Trung tâm Giống Thủy sản và Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA) lựa chọn các hộ ương giống cá tra trong tỉnh có tâm huyết, có năng lực và kinh nghiệm sản xuất giống, kiểm tra điều kiện cở sở ương đáp ứng các tiêu chí ương giống cá tra chất lượng 3 cấp, bước đầu đã thành lập được 1 Chi hội sản xuất giống cá tra AFA gồm có 11 thành viên với tổng diện tích ương nuôi giống là 36,35 ha (57 ao), năng lực đăng ký là 40 triệu con giống năm 2017. Đến nay, nâng số thành viên của Chi hội sản xuất giống cá tra AFA lên 23 hộ với tổng diện tích ương nuôi là 69,12 ha và năng lực cung cấp 104 triệu con cá tra giống/năm.
Ngoài ra, để chuẩn bị bổ sung đủ đàn cá tra bố mẹ chất lượng phục vụ sản xuất cung ứng giống cá tra 3 cấp, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Giống Thủy sản làm việc với Viện NC NTTS II để đăng ký tiếp nhận thêm đàn cá tra bố mẹ hậu bị, trong năm 2017 này tổng cộng sẽ có 4 cơ sở sản xuất giống trong tỉnh tiếp nhận đàn cá tra của Viện NC NTTS II với tổng số là 9.000 con, trong đó 8.000 con cá tra hậu bị khối lượng 1kg/con (giá 40.000 đồng/kg) và 1.000 con khối lượng trung bình 3,0-3,5 kg/con (giá 100.000 đ/kg). Đây là đàn cá có các tính trạng tăng trưởng qua 3 thế hệ, kháng bệnh gan thận mủ thế hệ 1. Đến nay Trung tâm Giống Thuỷ sản An Giang đã cung cấp được 305,5 triệu con cá tra bột cho 23 cơ sở ương giống trong Chi hội sản xuất giống cá tra AFA. Công ty CP XNK thủy sản An Giang (AGIFISH) đã thu mua cá tra giống của các hộ ương liên kết là 63.983kg (loại 50-100con/kg) tương đương số lượng cá tra giống là 4.470.118 con với giá công ty thu mua là động từ 23.000 đến 25.500 đồng/kg.
Triển khai các hoạt động xây dựng Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 19/7/2017 Sở Nông nghiệp&PTNT tổ chức Hội nghị đóng góp Đề cương Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại tỉnh An Giang. Ngày 3/8/2017 Sở Nông nghiệp&PTNT tổ chức Hội đồng Khoa học và Công nghệ xét duyệt Đề cương Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản là đơn vị được chọn để viết Đề án cho An Giang sẽ bổ sung hoàn chỉnh Đề cương, trong tháng 8/2017 sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị (lần 2) cũng được tổ chức tại tỉnh An Giang có sự tham gia của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy sản thuộc các tỉnh có nuôi cá tra trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến trong tháng 9/2017 sẽ hoàn chỉnh Đề án trình Chính phủ phê duyệt.
Phóng viên: Trong thời gian tới, An Giang sẽ làm gì để đẩy mạnh mô hình liên kết chuổi sản xuất giống cá tra 3 cấp này?
Đ/c Trần Anh Thư: Hoàn thành đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, dự kiến trong tháng 9/2017 tỉnh An Giang sẽ trình Chính phủ phê duyệt.
Triển khai thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống cá tra công nghệ cao cung cấp con giống chất lượng cao cho toàn vùng ĐBSCL theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Về cá tra bố mẹ tỉnh sẽ tiếp nhận đàn cá bố mẹ của Viện NC NTTS II bổ sung đủ đàn cá tra bố mẹ chất lượng phục vụ sản xuất cung ứng giống cá tra 3 cấp. Nâng cấp Trung tâm Giống Thủy sản An Giang thành Trung tâm Giống Thủy sản cấp vùng, liên kết với Trung tâm giống một số tỉnh như Đồng Tháp, Tp Cần Thơ để cung cấp cá tra giống chất lượng cho khu vực ĐBSCL. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung, xây dựng vùng ương giống cá tra có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP theo liên kết chuỗi cá tra 3 cấp với mô hình các tổ liên kết. Mở rộng mời gọi Doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Mục tiêu đến năm 2020 diện tích sản xuất giống cá tra chất lượng của đế án đạt khoảng 1.000 ha. Đạt 50% diện tích ương cá tra giống khu vực ĐBSCL (diện tích ương giống toàn vùng đến năm 2020 từ 1.700 ha đến 2.500 ha). Cung cấp khoảng 50% nhu cầu giống cá tra tương đương 1,75 tỷ cá tra giống cung cấp cho An Giang và khu vực ĐBSCL (Nhu cầu giống cá tra toàn vùng là 3,5 tỷ cá tra giống).Chất lượng con giống đảm bảo chất lượng, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh. Toàn bộ con giống cá tra của chuỗi sản xuất phải được doanh nghiệp bao tiêu theo giá sàn thỏa thuận từng thời điểm thu mua. Có ít nhất 4-6 doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết 3 cấp