Sau thất bại từ các vụ nuôi tôm sú, tôm thẻ là loài được chọn nuôi phổ biến, do tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ chuyển hóa thức ăn tốt, tỷ lệ sống sót và khả năng chịu đựng thay đổi của môi trường tương đối nhanh.
Tuy nhiên, nuôi tôm ngày càng thâm canh khiến cho sự tích tụ chất thải trong ao ngày càng nhiều. Chất thải hữu cơ trong nuôi tôm đến từ sự kết hợp của chất rắn lơ lửng, chất thải rắn và chất thải lỏng, có nguồn gốc chủ yếu từ các hoạt động đầu vào của việc nuôi tôm. Trong đó, một nguồn chất thải lớn đến từ lượng thức ăn thừa.
Thức ăn thừa đóng góp đến 17% vào tổng lượng chất thải trong ao nuôi. Phần còn lại của chất thải đến từ phân, chất rắn lơ lửng và các chất khác. Các hoạt động quản lý tỷ lệ cho ăn đóng một vai trò quan trọng đối với hiện diện của chất thải trong ao.
Một trong những kỹ thuật cho ăn sử dụng phổ biến trong nuôi tôm thẻ là cho ăn theo tỷ lệ phần trăm, phương pháp dựa trên trọng lượng cơ thể và tỷ lệ phần trăm ước tính của các mức thức ăn. Bài viết này tóm tắt kết quả của thí nghiệm xác định ảnh hưởng của việc sử dụng tỷ lệ cho ăn đối với chất lượng nước và sự tăng trưởng của tôm thẻ.
Chất lượng nước
Các chỉ tiêu chất lượng nước trong nuôi tôm thẻ thâm canh biến động liên tục. Tôm thẻ là sinh vật rất nhạy cảm với sự biến động chất lượng nước nên phải được theo dõi thường xuyên. Điều kiện chất lượng nước kém sẽ làm cho các mầm bệnh trong môi trường ao nuôi trở nên nguy hiểm hơn. Các thông số chất lượng nước tại vị trí ao nghiên cứu vẫn đảm bảo khá tốt cho hoạt động nuôi. Giá trị pH trung bình từ 7,9 - 8,4, độ mặn 9 - 27‰, oxy hòa tan 5,28 - 7,18mg/l , màu nước trong xanh, nhiệt độ nước ao nuôi 26,20-30,5° C, chất hữu cơ là 51,82 - 115,02 mg/l và giá trị độ trong là 36cm (độ trong thích hợp cho nuôi tôm là từ 30 - 45cm). Các giá trị thông số chất lượng nước được chấp nhận cho các hoạt động nuôi tôm thẻ.
Chất hữu cơ trong ao
Trong suốt thời gian nuôi, nồng độ chất hữu cơ trong ao dao động theo giá trị độ trong của nước. Giá trị độ trong sẽ giảm khi nồng độ chất hữu cơ trong nước ao tăng.Tôm thẻ là sinh vật có xu hướng thích sống ở nước đục hơn so với nước trong, vì ở vùng nước đục, lượng sinh vật phù du phong phú, đa dạng hơn. Chất hữu cơ trong nước ao đến từ chất thải thức ăn, phân, tôm lột xác và các hạt hòa tan khác.
Tốc độ tăng trưởng của tôm
Tốc độ tăng trưởng của tôm trong ao tiếp tục tăng theo thời gian nuôi tôm. Sự gia tăng tốc độ tăng trưởng kéo theo sự gia tăng trọng lượng cơ thể tôm. Thời gian nuôi tăng đòi hỏi lượng thức ăn đầu vào nhiều hơn, ảnh hưởng tích cực đến tốc độ tăng trưởng. Tôm thẻ là loại giáp xác có tốc độ tăng trưởng trung bình nhanh hơn so với các loại giáp xác khác.
Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của yếu tố thức ăn, tốc độ tăng trưởng tối ưu của tôm còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện chất lượng nước. Năng suất tôm sẽ tăng nếu trong suốt thời gian nuôi, chất lượng nước tốt.
Cho ăn theo tỷ lệ phần trăm
Việc tính toán tỷ lệ cho ăn dựa trên ước tính mức tăng trọng lượng của tôm, dao động từ 2,33 đến 174,41%. Tỷ lệ cho ăn trong ao giảm khi trọng lượng tôm trung bình tăng. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn càng cao, tỷ lệ thức ăn cần thiết càng nhỏ. Tỷ lệ cho ăn sẽ có mối tương quan nghịch với trọng lượng tôm.
Điều này có nghĩa là cứ giảm 1% giá trị của tỷ lệ cho ăn, sẽ làm tăng sinh khối tôm nuôi thêm 1g. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của tỷ lệ cho ăn trong ao, chẳng hạn như quản lý việc cho ăn hoặc chất lượng của thức ăn được sử dụng.
Ví dụ
Trọng lượng của 1 con tôm trong ao nuôi là 6g
Số tôm có trong ao nuôi là 250.000 con
Như vậy, tổng trọng lượng tôm là 6g x 250.000 con = 1.500 kg.
Căn cứ vào bảng % thức ăn theo trọng lượng tôm, 6g/con sẽ tương đương với mức 4,1% thức ăn so với tổng trọng lượng cả đàn tôm là 1.500kg.
Do đó ta tính được lượng thức ăn cho 250.000 con tôm 1 ngày là: 1.500kg x 4,1%/100 = 61,5kg/ngày.
Bảng tính lượng thức ăn dựa theo trọng lượng của 1 con tôm thẻ chân trắng.
Trọng lượng 1 con tôm (g)
|
Lượng thức ăn toàn ao nuôi (%)
|
2 |
9.5 |
3 |
5.8 |
5 |
5.3 |
7 |
4.1 |
10 |
3.3 |
12 |
3.0 |
15 |
2.6 |
20 |
2.1 |
25 |
1.5 |
30 |
1.3 |
Mối quan hệ giữa tỷ lệ cho ăn với chất lượng nước và các yếu tố sinh học của tôm
Dựa trên kết quả thử nghiệm, tỷ lệ cho ăn trong ao tương quan với trọng lượng cơ thể tôm và độ trong của nước. Tỷ lệ cho ăn được giữ không đổi ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể tôm và cả tỷ lệ chuyển đổi thức ăn. Ngoài ra, tỷ lệ cho ăn liên tục tạo ra lượng thức ăn dư thừa, ảnh hưởng đến độ trong của nước ao, do thức ăn bị lãng phí và phân tôm.
Nhìn chung, kết quả của nghiên cứu này, chỉ ra rằng tỷ lệ cho ăn trong ao nuôi tôm sẽ có tác động đến tăng trọng của tôm và các thông số khác như độ trong của nước. Giá trị độ trong là một trong những chỉ tiêu vật lý sẽ quyết định mức độ phù hợp của chất lượng nước nuôi tôm.
Ngoài ra, việc sử dụng tỷ lệ cho ăn trong ao cũng bị ảnh hưởng bởi trọng lượng sinh khối và kích cỡ của tôm nuôi. Tôm càng lớn thì việc điều chỉnh tỷ lệ cho ăn sẽ càng phức tạp để phù hợp với tỷ lệ trao đổi chất và điều kiện sinh học của tôm.
Từ kết quả của nghiên cứu này, có thể kết luận rằng việc lựa chọn tỷ lệ cho ăn trong chu kỳ nuôi có ảnh hưởng rất đáng kể đến trọng lượng tôm và độ trong của nước ao, cũng như năng suất vụ nuôi tôm.