Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Bến Tre phát triển nuôi tôm công nghệ cao

Bến Tre phát triển nuôi tôm công nghệ cao

Trang chủ Tin Tức Bến Tre phát triển nuôi tôm công nghệ cao
Bến Tre phát triển nuôi tôm công nghệ cao
04/06/2021
49 Lượt xem

Chia sẻ với:

Bến Tre phát triển nuôi tôm công nghệ cao

Thực hiện Đề án phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao (CNC) tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) đã xây dựng kế hoạch phát triển 1.500ha. Theo đó, huyện chọn 5 khu vực có khả năng đầu tư phát triển và có xây dựng mục tiêu, phương án triển khai.

5 khu vực nuôi trọng điểm

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trương Thanh Hải cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, độ mặn lên cao bất thường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến sản xuất và làm thiệt hại đến ngành nuôi tôm biển. Nghề nuôi tôm của huyện chưa hoàn toàn chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng, chủ yếu nhập từ bên ngoài. Hạ tầng nuôi tôm biển như: Hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông… chưa đảm bảo, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh.

Toàn huyện có 18.100ha nuôi thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi quảng canh khoảng 8.672ha, tôm lúa 5.030ha, tôm rừng 798,7ha. Diện tích thâm canh lũy kế đến cuối năm 2020 là 3.620ha ở các xã: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Qui, An Thạnh, An Thuận, Bình Thạnh, thị trấn, Mỹ An, Mỹ Hưng, Quới Điền. Năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm theo hướng ứng dụng CNC 709ha, tập trung ở các xã: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Qui, An Thuận, Mỹ An.

Ông Trần Văn Tơ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú khẳng định: “Hầu hết các hộ nuôi tôm CNC đều rất thành công. Đây chính là động lực, điều kiện thuận lợi để huyện lan tỏa mô hình nuôi tôm CNC theo Đề án phát triển 4.000ha nuôi tôm CNC của tỉnh đến năm 2025”.

Trưởng phòng NN&PTNT Trương Thanh Hải cho biết: Với kế hoạch phát triển 1.500ha nuôi tôm ứng dụng CNC, huyện sẽ tập trung phát triển nuôi tôm biển, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, ứng dụng CNC để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và kinh tế huyện.

Đến năm 2025, tôm nuôi công nghiệp 3.620ha, trong đó nuôi ứng dụng CNC khoảng 1.500ha, được phân thành 5 khu vực nuôi trọng điểm.

Khu vực 1 là huyện lộ 30, sông Khém Thuyền, thuộc địa bàn xã Giao Thạnh và Thạnh Phong. Đây là khu vực hạ tầng đường, điện có sẵn có thể phục vụ tốt cho phát triển nuôi tôm CNC, với diện tích 300/600ha.

Khu vực 2 là dọc huyện lộ 27, sông Băng Cung thuộc địa bàn 3 xã: An Qui, An Nhơn và An Điền. Khu vực này đang có hạ tầng thuận lợi cho phát triển 300/400ha.

Khu vực 3 là huyện lộ 28, sông Cầu Sắt thuộc địa bàn xã: An Qui, An Nhơn và An Thuận, phát triển nuôi tôm CNC 300/400ha.

Khu vực 4 là hạ tầng đường Bắc - Nam, đường ven sông Băng Cung phát triển 200/400ha. Khu vực 5 là từ sông Hồ Lát đến cầu Vàm Rỗng, thuộc địa bàn 3 xã: Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải.

Giải pháp chủ yếu

Là một trong những đơn vị đồng hành cùng địa phương trong triển khai đề án này, Phó giám đốc Chi nhánh Agribank Thạnh Phú Nguyễn Văn Thuận cho biết: Ngân hàng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 là đồng hành với địa phương trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế về hướng Đông. Trong đó, tập trung xem xét hỗ trợ cho vay đối với người nuôi tôm, nhất là đầu tư nuôi tôm theo hướng CNC.

Hiện nay, cán bộ ngân hàng đã và đang khảo sát một số mô hình để xem xét cho hộ nuôi tiếp cận nguồn vốn. Trong quá trình xem xét để cho vay, ngân hàng lưu ý những hộ nuôi muốn đầu tư thực sự và có tính hiệu quả, nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích theo đề án…

Để thuận lợi, huyện chia thành 2 giai đoạn triển khai.

Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2023 triển khai các khu nuôi tôm ứng dụng CNC tại các khu vực quy hoạch đã có sẵn hạ tầng đường, điện, với diện tích 800ha.

Giai đoạn 2 từ năm 2023 -2025, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông các khu vực ở giai đoạn 1. Đồng thời, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng mới của khu vực 4 và khu vực 5, với 700ha.

Trưởng phòng NN&PTNT Trương Thanh Hải cho biết: Huyện sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản rà soát và quy hoạch lại vùng nuôi, khu nuôi thủy sản có điều kiện ứng dụng nuôi CNC, nâng cấp hạ tầng đường, điện, thủy lợi phục vụ cho nuôi CNC. Ngoài ra, huyện sẽ xin chủ trương mở rộng Cụm công nghiệp thị trấn Thạnh Phú 70ha, hình thành Cụm công nghiệp An Điền 70ha và Khu công nghiệp An Nhơn 250ha, để mời gọi đầu tư chế biến thủy sản, hình thành khu sản xuất giống tại xã An Thạnh 20ha.

“Huyện đầu tư phát triển ngành nuôi tôm biển theo hướng chuỗi giá trị. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị. Tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, liên kết các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến ngư. Nghiên cứu, ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến trong nuôi tôm. Triển khai các mô hình canh tác theo tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt như: VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC…”. 
(Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú Trương Thanh Hải)
Tìm kiếm