Ông Đặng Văn Đức, nhà ở xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), cho biết: Khoảng 1 tuần nay, tôi thấy cá chết nổi trên mặt hồ rồi sóng đánh trôi dạt vào bờ, chó mèo tha khắp nơi, bốc mùi hôi thối. Thỉnh thoảng, cá hồ Núi Cốc cũng chết, nhưng không nhiều như đợt này. Nguyên nhân do đâu, chúng tôi cũng không nắm rõ.
Còn bà Nguyễn Thị Cẩm (một vận động viện bơi lội nghiệp dư tại khu vực phía Nam hồ Núi Cốc) phản ánh: Sáng Chủ nhật hằng tuần, tôi đều luyện tập bơi từ khu vực đập chính ra đảo Chùa, những ngày gần đây, tôi thấy cá chết rải rác trên mặt hồ. Còn khu vực gần bờ thì xuất hiện nhiều hơn, chúng tôi phải vớt cá chết ở khu vực xuất phát để cho đỡ mùi hôi thối.
Trước hiện tượng này, chị Nguyễn Thị Hiền, nhà ở xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, không khỏi lo lắng: Gia đình tôi kinh doanh hồ câu (mặt nước thông với hồ Núi Cốc) nên khi nhận được thông tin trên, tôi kiểm tra thì đã thấy cá trong hồ của gia đình bị chết. Ban đầu, cá chết rải rác nổi trên mặt hồ, nhưng từ ngày 6-10 đến nay, hiện tượng cá chết ngày càng nhiều, mỗi buổi sáng, tôi vớt được hàng chục kg cá chết trong hồ. Đến nay, không chỉ là cá rô phi có trọng lượng khoảng 0,3-04kg trở xuống bị chết mà có cả những con cá rô phi to gần 1kg. Một số loại cá khác, như: Chép, trắm, mè cũng bị chết. Chúng tôi không biết rõ nguyên nhân, nhưng chắc chắn không phải do các hoạt động đánh cá theo hình thức tận diệt (kích điện, đánh mìn). Bởi trước khi chết, cá không chịu ăn, quay quay dưới nước một lúc là nổi bụng. Hiện tượng này cũng giống như vào năm 2015, cá trong hồ Núi Cốc và của người dân lấy nước từ hồ chết hàng loạt. Lần đó, gia đình tôi bị chết gần 1 tấn cá, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, một số hộ kinh doanh cá có nguồn nước thông với hồ Núi Cốc đều bị thiệt hại đáng kể.