Tôm khô là một trong những đặc sản của Cà Mau. Dịp Tết nguyên đán cũng là thời điểm nghề kinh doanh tôm khô tất bật vào vụ.
Vùng Đất Mũi Cà Mau là nơi nổi tiếng của tôm khô, đặc biệt là ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Ngày thường, mặt hàng này đã được ưa chuộng, đến dịp Tết thì càng hút hàng hơn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ theo nghề làm tôm khô, do nguyên liệu tôm đất (loại tôm được xem là ngon nhất khi làm tôm khô) năm nay khan hiếm nên giá tôm khô sẽ tăng cao so với những năm trước.
Sau khi thu mua tôm tươi, người làm cơ bản sẽ thực hiện các công đoạn: Rửa sạch, luộc, phơi, sấy, tách vỏ (có thể để nguyên vỏ), sàng, lau bóng, phân loại và đóng gói.
Đây là quy trình được người trong nghề, cũng như kinh doanh tôm khô cho rằng cần thiết nhất để tôm khô đạt chuẩn.
Hiện thương lái đến tận nơi vuông tôm của dân thu mua tôm đất tươi với giá 160.000 đồng/kg, loại 150 con, trong khi năm trước chỉ khoảng từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận, hiện giá tôm khô Rạch Gốc tách vỏ được bán với giá từ 900.000 - 1,5 triệu đồng/kg, tùy loại. Với giá này, trung bình tăng khoảng 200.000 đồng/kg tùy loại.
Còn đối với tôm khô để nguyên vỏ thì có giá thấp hơn, khoảng 800.000 đồng/kg.
Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết, giá tôm khô Rạch Gốc đã giữ mức khá cao từ khoảng giữa năm 2020 đến nay. Chỉ riêng khoảng 2 tháng giáp Tết, hợp tác xã đã xuất ra thị trường khoảng 20 tấn tôm khô.
Theo ông Chương, giá cao do một phần nguồn nguyên liệu tôm đất tươi khan hiếm, giá lại cao, một phần do tình hình dịch Covid-19 nên nhiều người hạn chế ra ngoài và muốn dự trữ thực phẩm cho dịp Tết, đặc biệt là đặc sản truyền thống.
Được biết, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 20 cơ sở sản xuất tôm khô và có hơn 10 cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc. Mặt hàng tôm khô đã xuất đi rất nhiều các tỉnh, thành trong nước và luôn được ưa chuộng vì dễ dùng và chất lượng ngon.