Lần đầu tiên bước vào nhóm xuất khẩu “tỷ đô”, năm 2022, cá ngừ đã mang về con số kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Israel và Thái Lan là 5 thị trường nhập khẩu mạnh nhất cá ngừ của Việt Nam.
Cá ngừ là một trong những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Sản phẩm này đã đóng góp một phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm của ngành thủy sản.
Tuy có chững lại một chút tại thị trường Mỹ và châu Á vào hồi quý IV của năm 2022, song đây không phải là điều đáng lo ngại. Bởi, một thị trường vô cùng tiềm năng và có lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do - EVFTA - thị trường châu Âu đang mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản nói chung, xuất khẩu cá ngừ nói riêng. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong 3 tháng cuối năm 2022 tăng trưởng liên tục.
Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 10/2022 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt gần 19 triệu USD, tăng 22% so với tháng 10/2021. Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 11 vào EU đạt trên 20 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU đạt hơn 150 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường EU như Bỉ, Đức có xu hướng tăng mạnh, từ 10-33%.
Cá ngừ Việt Nam với trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn hiện là mặt hàng được tiêu thụ tại nhiều quốc gia trên thế giới, giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước - đứng thứ 3 (chỉ sau tôm và cá tra). Nguồn lợi cá ngừ của chúng ta hiện rất phong phú. Đây chính là những lợi thế để ngành cá ngừ có thể tiếp tục bứt phá trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Dù vậy, bên cạnh những thuận lợi, thì trong năm 2023, ngành thủy sản được dự báo sẽ đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm, giá nguyên nhiên vật liệu vẫn còn diễn biến phức tạp. Chưa hết, thời gian tới thủy sản xuất khẩu cũng phải đối mặt với không ít chông gai. Đó là thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu; sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường; thẻ vàng EC chưa được tháo gỡ. Các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 về quản lý khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả, có trách nhiệm đang được triển khai thực hiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần có thời gian để thực hiện... đó là những rào cản hiện hữu mà toàn ngành đã nhận định được từ trước.
Dù vậy, năm 2023 ngành xuất khẩu thủy sản vẫn có những thuận lợi nhất định khi có lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTPP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thi trường Hoa Kỳ giảm. Đồng thời, chính trị và kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Thủy sản... Đây chính là những động lực để ngành thủy sản vượt khó trong năm nay. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phải quyết tâm gỡ hoàn toàn thẻ vàng IUU. Việc gỡ tấm thẻ vàng này không chỉ đơn thuần tháo gỡ rào cản xuất khẩu, mà là hướng toàn ngành đến sự phát triển bền vững.