Máy cho tôm ăn tự động ra đời
Vì số lượng tôm nuôi ngày càng tăng, ao nuôi cũng theo đó mà tăng, với phương pháp cho ăn truyền thống (sử dụng tay để rải thức ăn) thường khó kiểm soát lượng thức ăn thừa, tồn đọng ở đáy ao, dễ gây tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Thêm vào đó, do kinh phí mua thức ăn chiếm phần lớn trong tổng chi phí trong nuôi tôm cùng với phí cho việc thuê lao động làm việc đã khiến nhiều chủ hộ nuôi phải đau đầu. Máy cho ăn tự động đã xuất hiện để giải quyết những khó khăn này.
Lợi ích của máy cho tôm ăn tự động
Sử dụng máy cho ăn tự động sẽ giúp tiết kiệm lượng thức ăn, làm giảm chi phí so với cho ăn thủ công, đồng thời giảm được phần nào chi phí chi trả cho việc thuê nhân lực chăm sóc do số lượng tôm nuôi quá nhiều.
Bên cạnh đó việc dùng máy cho ăn tự động sẽ giúp chia nhỏ lượng thức ăn trong ngày thành nhiều lần, giúp tôm có thể dễ dàng phát triền và không sợ tôm ăn quá nhiều, chúng ta cũng không cần phải tốn công đi cho ăn từng bữa.
Thay vì cho ăn thủ công 1 - 2 lần trong ngày thì máy tự động sẽ chia nhỏ thành 3 – 4 lần, giúp tiết kiệm được sức lực và thời gian, nâng cao hiệu suất lao động. Phạm vi rải thức ăn được căn cứ vào đặc tính của loại thức ăn sử dụng và vị trí đặt máy trong ao. Cách cho ăn liên tục nhiều lần trong ngày như vậy giúp tôm dễ dàng tìm được thức ăn trước khi viên thức ăn chìm xuống đáy ao tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Với chiếc máy này, tôm dù lớn hay nhỏ đều có thể nhận được thức ăn, hạn chế hiện tượng phân đàn trên tôm. Người nuôi cũng sẽ có nhiều thời gian để tập trung theo dõi chất lượng nguồn nước và thể trạng của tôm một cách chi tiết, thường xuyên hơn.
Theo cách truyền thống khi cho tôm ăn, người nuôi phải tắt quạt nước trước khi cho chúng ăn, điều này sẽ làm tôm thiếu oxy. Trái lại, máy cho ăn tự động vừa có thể bật quạt nước cung cấp oxy cho tôm như bình thường vừa phân phối thức ăn đều đến khắp các vị trí trong nước, đảm bảo tất cả tôm trong ao tiếp cận được mồi; thức ăn không bị chìm xuống đáy, hạn chế tình trạng tồn đọng thức ăn gây ô nhiễm môi trường sinh sống của tôm.
Nhìn chung, phương pháp quản lý thức ăn này không những tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của tôm và rút ngắn thời gian nuôi. Tôm phát triển đồng đều đến lúc thu hoạch sẽ ít xảy ra tình trạng chênh lệch kích cỡ. Lắp đặt hệ thống cho ăn tự động khiến chất lượng nước được cải thiện, tôm được cho ăn liên tục nên sẽ khỏe mạnh hơn. Đồng thời cũng giúp hạn chế được các bệnh dịch, làm giảm nguy cơ tôm chết. Bên cạnh đó, lợi nhuận cũng gia tăng do tiết kiệm được chi phí nhân công và giá thành sản xuất.
Cách lắp đặt và sử dụng
Để máy có thể phát huy hết khả năng, nên lắp đặt máy trên các bè tự chế, trên các bục nổi, thùng rỗng hoặc đặt máy trên các cọc cắm cố định trong ao. Đầu tiên, khoảng cách từ các cọc cắm cố định đến bờ ao phải lớn hơn bán kính lớn nhất khi máy rải thức ăn để đảm bảo thức ăn được rải đều.