Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Cơ cấu lại nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung

Cơ cấu lại nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung

Trang chủ Tin Tức Cơ cấu lại nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung
Cơ cấu lại nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung
27/04/2021
40 Lượt xem

Chia sẻ với:

Cơ cấu lại nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung

Ngành Nông nghiệp Thủ đô đã, đang tập trung cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn. Nhờ vậy, tiềm năng diện tích mặt nước đã được khai thác có hiệu quả, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Theo ông Nguyễn Xuân Thứ ở xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa), nhờ áp dụng nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, tập trung trên diện tích khoảng 2ha nên cá ít bị dịch bệnh, cho giá trị kinh tế cao với thu nhập khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Còn theo ông Lê Văn Lâm ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên), diện tích 2ha nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn của gia đình cho thu hoạch 17-18 tấn cá/năm, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đánh giá về hiệu quả của nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết: Hà Nội có khoảng hơn 23.400ha nuôi trồng thủy sản, trong đó đã hình thành 82 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Hiện có hơn 9.000ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước trong nuôi trồng thủy sản; có hơn 60 bể nuôi cá theo mô hình sông trong ao và 18 cơ sở áp dụng nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP cho giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn còn khó khăn do nguồn nước nuôi trồng ở một số nơi bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cá. Nông dân vẫn chủ yếu nuôi theo hướng bán thâm canh, nên hiệu quả ở một số vùng nuôi còn thấp. Cùng với đó, chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái.

Thực tế cho thấy, nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa. Để phát huy tiềm năng, lợi thế góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đạt từ 4,2% trở lên trong năm 2021, Hà Nội sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng thâm canh, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Hà Nội sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đến cuối năm 2021 đạt 24.000ha với sản lượng thủy sản đạt 120.000 tấn.

Để các vùng nuôi trồng thủy sản của địa phương phát huy hiệu quả, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã: Đồng Tân, Trung Tú, Trầm Lộng, Hòa Lâm, Phù Lưu… về đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, hệ thống thủy lợi...), mở các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn cho nông dân nhằm hạn chế dịch bệnh và tạo ra sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn thông qua các hội đoàn thể như: Quỹ Khuyến nông thành phố; Quỹ Hỗ trợ nông dân… để mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng khẳng định, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ các địa phương đầu tư lại cơ sở hạ tầng, nạo vét kênh mương cấp thoát nước cho các vùng nuôi trồng thủy sản ở các huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên…

Cùng với đó, Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ xây dựng chợ thủy sản đầu mối tại các huyện Ứng Hòa và Ba Vì nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiêu thụ sản phẩm. Sở phối hợp với các địa phương xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh thủy sản để các hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả việc giám sát, cảnh báo môi trường nước; mở các lớp tập huấn cho nông dân về cách phòng, chống dịch bệnh nhằm tăng năng suất và sản lượng trong nuôi trồng thủy sản...

Tìm kiếm