Không thể phủ nhận, những giá trị to lớn mà con tôm mang lại cho nền thủy sản nước nhà nói chung và đổi mới bộ mặt kinh tế nông hộ nói riêng. Không xa, năm 2019 vừa qua ngành tôm đã đón nhận nhiều sự thay đổi mới, cả thế giới tăng 3,3 triệu tấn tôm thương phẩm (dẫn nguồn của GSMC), diện tích nuôi tôm đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, trong đó tôm sú ước đạt 270.000 tấn, tôm thẻ là đạt 480.000 tấn (dẫn nguồn của Tổng cục Thủy Sản Việt Nam). Nhiều hộ nuôi tôm cũng thắng lớn trong bức tranh toàn cảnh về tăng trưởng tôm năm 2019.
Tuy nhiên, không thể tồn tại một gam màu tươi sáng của toàn nghề tôm, vẫn còn những mảng màu tối bao trùm đâu đó ở nhiều hộ nông dân. Đó là bức tranh cần bàn luận để đúc kết ra rằng: nền nông nghiệp trong thị trường đổi mới cần rất nhiều yếu tố trợ lực, trong đó có 2 thứ: người nông dân thông thái, và truyền thông trách nhiệm.
Con tôm nhỏ bé nhưng mang thật nhiều ý nghĩa lớn lao
So với trọng lượng cơ thể, con tôm gánh trên mình rất nhiều kỳ vọng và ý nghĩa lớn lao đối với nền kinh tế nước nhà, kinh tế nông hộ và vị thế quốc gia.
Theo báo cáo của VASEP, Việt Nam có hơn 600.000 ha nuôi tôm với hai loài tôm sú và tôm trắng. Là nước sản xuất tôm sú hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 300.000 tấn mỗi năm. Đây là loài nuôi truyền thống của Việt Nam trong khi tôm trắng được nuôi ở nhiều tỉnh trong nước kể từ năm 2008. Các vùng nuôi chính tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 5 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.
Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Nhờ nghề tôm mà nhiều hộ nông dân cũng được đổi đời. Bộ mặt kinh tế nông thôn cũng thay đổi tích cực. Người nông dân đã có thể tậu xe mới, xây nhà đẹp hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn, bữa cơm thêm phần ngon ngọt, thảo thơm nhờ con tôm có giá.
Khi người nông dân “đua đòi”
Thật không khó để tìm, thấy và đọc về những điển hình làm giàu nhanh chóng nhờ nuôi tôm. Người ta giàu nhanh, đổi đời nhanh, nhanh đến mức làm nhiều người “noi theo” cũng nhanh không kém.
Lâu lâu chúng tôi suy ngẫm lại thấy ông bà ta dạy chớ sai, “dục tốc - bất đạt”, câu nói ấy vận nhiều trong trong cuộc sống. Khuyên răng đời sau rằng làm việc gì cũng nên suy tính, học hỏi cho kỹ càng, hiểu sâu rồi hãy bắt tay vào làm, nếu vội vàng, hấp tấp, không kỹ lưỡng sẽ không thành công. Ông bà đã dạy y vậy, nhưng nhiều người nông dân vẫn hay quên, nóng vội, mà nghề tôm lại càng không thể nóng vội.
Họ đua đòi với con tôm để làm giàu nhanh chóng, họ học cách nuôi tôm bằng những kinh nghiệm non nớt, và không có một điều gì chắc chắn… Đất đai vốn đã quen với rễ cây, rễ lúa nay được xóc lên thành vuông tôm; nước ngọt phù sa tháo lại sông ngòi thay bằng nước lợ, và hiển nhiên con tôm “ngơ ngác” được “rước” về nuôi.
Bạc tỷ chưa thấy mà nhà cửa, đất đai đã thành tài sản ngân hàng, nợ chồng lên nợ. Con tôm rớt giá vì cung vượt cầu, dịch bệnh bùng phát do quản lý yếu kém, ô nhiễm môi trường do ý thức chăn nuôi hạn chế, sử dụng thuốc, kháng sinh vô tội vạ do kinh nghiệm non nớt. Ao treo, mất trắng; và nhờ con tôm mà đổi đời thật, người ta đổi từ nghèo sang nghèo hơn, từ ước mơ tiền tỷ sang nổi lo canh cánh trả nợ ngân hàng, người ta đổi thất bại lấy một bài học xương máu.
Trách nhiệm truyền thông
Để mọi thông tin của xã hội được lưu thông đến mọi người, truyền thông đóng vai trò rất lớn. Và cái ích lợi của truyền thông đối với thủy sản nói riêng và mọi mặt của đời sống thì được đề cặp nhiều rồi Chỉ tiếc là, thường thì truyền thông đưa tin theo dư luận và ít khi lường trước vấn đề để dẫn dắt người xem, người nghe, người đọc.
Con tôm thời được mùa, truyền thông ngợi ca, vẽ màu tươi sáng. Người dân ồ ạt phá ruộng, xé vườn nuôi tôm, thua lỗ; lúc này truyền thông tỉnh táo cảnh báo người dân. Nhưng cảnh báo hơi muộn, mà dù sao thì cũng còn hơn là không. Họ biết dừng lại, biết thận trọng. Chỉ là: ao đã lên giờ sang lại trồng vườn thì cũng tốn kém, mà bắt đầu trồng lại thì không biết khi nào mới thu hoạch, còn để nuôi thủy sản thì không biết nuôi gì, hay quay về trồng lúa? à, mà nhớ ra đất trồng đã nhiễm mặn; công cáng, nhà cửa dồn vào mấy con giáp xác giờ trôi theo nước xi phong.
Có lẽ nên nhìn lại nhiều hơn về truyền thông, về trách nhiệm của những người đưa tin. Họ cần tỉnh táo, nhìn trước được luồng tin, sự việc để khách quan đánh giá và định hướng.
Người nông dân thông thái và truyền thông có trách nhiệm
Xã hội với nền nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, đòi hỏi những người nông dân thông thái và truyền thông đầy trách nhiệm.
Làm giàu luôn khó nhọc, mà lại là làm giàu từ nghề nông. Nông dân đổ mồ hôi còn nhiều hơn nước ao, để được mùa trúng lớn, con tôm lại phải đổ nhiều hơn. Con tôm sẽ trở thành đôi cánh phất lên cho nhiều người nếu biết chịu khó hơn trong học hỏi, suy tính kỹ càng. Nghề nuôi tôm cần phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với thiên nhiên. Canh tác, quản lý có trách nhiệm với cộng đồng.
Truyền thông thủy sản nói riêng và toàn ngành nói chung, hãy tiến bộ hơn đón đầu những luồng sự kiện, từ đó đưa ra nhận định hợp lý trước những “xu hướng” nuôi trồng nhanh chóng như con tôm.