Cá khế vằn có tên khoa học là Gnathanodon speciosus (Forskal, 1775) là loài cá biển lớn, có giá trị kinh tế cao, thịt trắng, thơm ngon, là đối tượng nuôi rất mới và nhiều tiềm năng phát triển ở vùng biển ấm như khu vực Nam Trung Bộ, Đông và Tây Nam Bộ. Cá khế vằn sinh trưởng nhanh, dễ nuôi vì có tính ăn tạp, nguồn thức ăn dễ tìm và nuôi được ở thủy vực nước lợ. Đặc biệt, cá sống thành bầy đàn, ăn nổi nên dễ quan sát, quản lý môi trường và phòng trị bệnh.
Trước đây, cá khế vằn được nuôi rải rác ở Khánh Hòa và cho hiệu quả kinh tế cao, có thể thay thế một số đối tượng nuôi truyền thống.Việc thử nghiệm sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn đã tạo tiền đề rất lớn trong việc mở rộng quy mô nghề nuôi, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi cho nghề nuôi trồng thủy sản.
Việc nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản cá khế vằn cung cấp thêm thông tin về mùa vụ sinh sản, quá trình phát triển tuyến sinh dục, cũng như những thay đổi về nội tiết sinh sản, biến động về hàm lượng các hormone sinh dục trong chu kỳ sinh sản,.. sẽ hỗ trợ tốt cho việc sản xuất con giống hiệu quả, mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nghề nuôi cá biển.
Hệ số thành thục (GSI) là một chỉ số quan trọng đánh giá mức độ chín muồi của tuyến sinh dục, khối lượng tuyến sinh dục là một trong những thông số cho biết mức độ chín muồi của sản phẩm sinh dục. Qua đó có thể dự báo và theo dõi quá trình phát triển và chín muồi của các tế bào sinh dục. Trong sinh sản nhân tạo các loài cá, GSI có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ nhằm tăng năng suất sinh sản.
Theo nghiên cứu chỉ số GSI ở cá khế vằn cái đạt cực đại vào tháng 6/2018 (3,05 ± 0,64 %), sau đó giảm dần ở các tháng tiếp theo và đạt cực tiểu vào tháng 12/2018 (0,85 ± 0,59 %). Sau tháng 12/2018, chỉ số GSI bắt đầu tăng trở lại theo chu kỳ.
GSI có hai đỉnh cao vào tháng 3 (1,61 ± 0,37 % ở tháng 3/2018 và có giá trị 2,35 ± 1,25 % ở tháng 3/2019) và tháng 6 (3,05 ± 0,64 %) trong năm nhưng xét về mặt thống kê thì giá trị GSI vào tháng 3/2018 và 3/2019 không có sự khác biệt so với giá trị GSI ở các tháng 5/2018 và tháng 9/2018. Các tháng đều bắt gặp các cá thể cái đã thành thục (buồng trứng ở giai đoạn IV).
Giá trị GSI trung bình của cá đực trong quá trình nghiên cứu dao động từ
0,4% ± 0,3 % đến 3,2% ± 0,58%. Giá trị GSI ở tháng 3 và tháng 5 tương đương nhau (1,25%). Sang tháng 6, GSI bắt đầu tăng và đạt giá trị cực đại vào tháng 9 khi toàn bộ cá đực đều có tinh sào giai đoạn IV, giai đoạn tinh sào đạt kích thước tối đa. GSI đạt giá trị cực đại (3,2%) sau đó giảm mạnh vào tháng 12 rồi tăng nhẹ vào tháng 3/2019 và tiếp tục giảm và có giá trị nhỏ nhất vào tháng 4/2019 (0,4%).
Cá khế vằn là loài sinh sản quanh năm và mùa vụ sinh sản chính là từ tháng 3 đến tháng 10 trong năm.
Sự khác biệt về vùng địa lý, dẫn đến sự khác biệt về khí hậu, nhiệt độ, chu kì chiếu sáng, sẽ dẫn đến sự khác biệt về mùa vụ sinh sản. Thời kỳ sinh sản của cá khế vằn ở Thái Bình Dương là cuối tháng 2 đến đầu tháng 10 với cực đại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 9. Trong khi đó, ở Ấn Độ Dương cá sinh sản vào tháng 4 và tháng 5.
Sức sinh sản tuyệt đối (AF) của cá khế vằn Gnathanodon speciosus từ 49.189 – 181.280 trứng, trung bình đạt 121.174 ± 66.842 trứng. Sức sinh sản tương đối (RF) của cá khế vằn trung bình đạt 107.607 ± 49.916 trứng/kg cá cái.