Vì thế, nhắc đến cù lao Tân Phong, người dân ở miệt vườn sông nước Cửu Long thường liên tưởng đến những vườn cây ăn trái trĩu quả như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Ngoài ra, nhờ phù sa của dòng sông Tiền không ngừng bồi đắp nên xung quanh cù lao Tân Phong có nhiều bãi đất cát pha bùn, là nơi lý tưởng để loài ốc gạo sinh sống.
Theo truyền thuyết, có tên gọi ốc gạo vì dân nghèo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tin rằng được trời đất phù hộ cho thứ ốc ngon, họ ngược xuôi trên sông nước bắt ốc đổi gạo nuôi con, nuôi thân.
Còn theo những lão nông sống lâu năm ở cù lao này, ốc gạo Tân Phong đã trở thành một đặc sản nổi tiếng, trước đây vốn chỉ được dành cho giới nhà giàu, địa chủ để ăn vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Lý giải điều này, người xưa cho rằng, dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch, con ốc gạo Tân Phong vào thời điểm phát triển đủ độ trưởng thành, mập nhất, ngon nhất.
Theo kết quả khảo sát của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tiền Giang, ốc gạo đẻ từ tháng 7 âm lịch năm trước và đến tháng 4-5 âm lịch năm sau là đủ lớn để thu hoạch. Thời gian này, ốc gạo mang trứng và phát triển thành ốc con ngay trong cơ thể của chúng. Ốc gạo có một đặc tính di cư kỳ lạ hình thành theo bản năng của chúng là vào mùa sinh sinh sản thì vào bờ, đào hang; ốc con sau khi được sinh ra khoảng một tháng tuổi lại di chuyển ra giữa sông để sống. Khi nước chảy thì ốc gạo vùi mình vào đất, khi nước đứng thì ngoi đầu bò ra kiếm các phiêu sinh vật để ăn.
Con ốc gạo có vỏ trắng xanh, xoáy tròn, phía đuôi ốc có phần chóp nhọn, ốc lớn bằng đầu ngón tay, khi trưởng thành thì bằng hột mít. Những con ốc nhỏ bằng đầu ngón tay út có vỏ ngũ sắc sáng lóng lánh, ánh lên màu trắng pha hồng. Khi nấu chín dưới yếm hiện ra một cục mỡ nhỏ như hạt gạo. Ốc gạo ngon và lành hơn những loài ốc khác ở chỗ không có nhớt. Thịt ốc trắng đục, béo thơm, có vị ngọt, giòn có hương thơm.