Vì sao doanh thu doanh nghiệp thủy sản tăng nhưng lợi nhuận giảm?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản phục hồi trong giai đoạn tháng 3 và 4/2021, tăng lần lượt 17% và 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) - doanh nghiệp đầu ngành tôm, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 1/2021 của doanh nghiệp đạt 2.809 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm mạnh tới 52%.
Theo SSI, với tỷ trọng doanh thu tôm nguyên liệu cao, chiếm tới 50% và mạng lưới khách hàng mạnh, MPC nên là doanh nghiệp hưởng lợi chính khi chiếm thị phần cao hơn ở Mỹ. Thực tế, MPC phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ khi thị trường này chiếm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, MPC nhập khẩu một tỷ trọng nhỏ tôm Ấn Độ để chế biến (dưới 16% cho toàn ngành). Do đó, MPC phải chịu thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ tại Mỹ. Một số cuộc điều tra này đã ảnh hưởng đến MPC trong quá khứ.
Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của MPC khá biến động trong giai đoạn 2015-2020. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận ròng đầy tham vọng ở mức 1.400 tỷ đồng, tăng 109% so với cùng kỳ.
SSI cho rằng MPC khó đạt được kế hoạch lợi nhuận sau thuế do chi phí logistics liên tục tăng cao. Thực tế, công ty thường không đạt được kế hoạch trong 5 năm qua.
Đối với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), quý 1/2021, doanh nghiệp có doanh thu thuần tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 969 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế lại giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 31 tỷ đồng.
Thị trường của FMC đa dạng hơn, với Nhật Bản đóng góp 28% doanh thu, EU là 29% và Mỹ chiếm 26%. Thế mạnh của FMC là tôm chế biến với 78% tổng sản lượng, điều này sẽ giúp công ty tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm này tại Mỹ.
Vào tháng 4/2021, FMC có doanh thu tăng mạnh ở mức 46% so với cùng kỳ. Trong quý 1/2021, dù doanh thu tăng trưởng mạnh, nhưng chi phí nguyên liệu bao gồm tôm và thức ăn thủy sản cao hơn đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp từ 9,9% trong quý 1/2020 giảm xuống còn 7,7% trong quý I/2021. Chi phí logistic cũng tăng 72%, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm 23% so với cùng kỳ.
FMC có kế hoạch mở rộng 100% công suất trong giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, FMC đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 4.600 tỷ đồng và 250 tỷ đồng, đều tăng 6%so với cùng kỳ năm 2020. Theo SSI, đây là kế hoạch kinh doanh khá thận trọng.
Doanh nghiệp đầu ngành cá tra là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) báo cáo quý 1/2021 có doanh thu thuần 1.788, lợi nhuận sau thuế là 132 tỷ đồng; tăng 9% về doanh thu nhưng giảm 14% về lợi nhuận.
VHC từ lâu đã là nhà xuất khẩu cá tra chiếm ưu thế trên thị trường với 45% thị phần tại Mỹ. Công ty cũng kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của cá tra tại Mỹ trong năm 2021. Nhu cầu collagen và gelatin vẫn tăng mạnh và VHC dự kiến đạt lợi nhuận tăng mạnh nhờ việc mở rộng công suất gần đây.
Lãnh đạo VHC cho biết trong năm nay, VHC dự kiến sẽ đa dạng hóa, trở thành một công ty F&B (kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ăn uống) có thể tạo ra dòng tiền bền vững hơn.
Thương vụ đầu tiên của Vĩnh Hoàn trong kế hoạch này là thâu tóm Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu bánh phồng tôm và gạo.
Đầu năm 2021, Vĩnh Hoàn cũng thành lập công ty trái cây Thành Ngọc có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất nước ép từ rau quả và chế biến, bảo quản rau quả.
Ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh, tất cả các dự án mới đều đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ không mang lại doanh thu và lợi nhuận ròng bổ sung cho tập đoàn trong năm 2021.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, VHC đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 8.600 tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ và 700 tỷ đồng giảm 2,6% so với cùng kỳ).
Như vậy, có thể nhận thấy những doanh nghiệp lớn đầu ngành thủy sản đang có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu, qua đó tăng doanh thu. Nhưng những khó khăn từ giá nguyên liệu và logistics tăng cao khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản giảm. Một số doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa sản phẩm để tạo ra nguồn tiền giúp phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong khi giá bán bình quân có thể tăng dần vào cuối năm, chi phí logistics cao dự kiến vẫn sẽ tiếp diễn.
Nguồn tham khảo: Văn Giáp. Vì sao doanh thu của doanh nghiệp thủy sản tăng nhưng lợi nhuận giảm?, Báo Vietnamplus, Doanh nghiệp, 29/05/2021.