Côn trùng là nguồn cung cấp protein, lipid, vitamin và khoáng chất dồi dào. Vì vậy, việc sử dụng bột côn trùng để thay thế bột cá đang ngày càng trở nên phổ biến trong ngành sản xuất thức ăn thủy sản ở nhiều nước. Côn trùng sẽ cho hiệu suất chuyển hóa thức ăn cao, chúng có thể phát triển nhanh chóng và sinh sản dễ dàng cả khi nguồn dinh dưỡng thấp. Côn trùng cũng dễ tích tụ chất béo, nhất là khi chúng còn non.
Chia sẻ với:
Cho lươn ăn ấu trùng ruồi lính đen
Bột ấu trùng ruồi lính đen là một thành phần tiềm năng để thay thế cho bột cá và dầu cá như một nguồn chuyên cung cấp protein và lipid.
Ruồi lính đen là một loài côn trùng có triển vọng, được sử dụng trong thức ăn nuôi thủy sản. Ấu trùng ruồi lính đen chứa khoảng 42% protein, 35% lipid và chứa nhiều axit amin. Nhất là lượng chất béo bão hòa acid lauric và acid linoleic cao hơn rất nhiều so với ở bột cá. Bột ấu trùng ruồi lính đen (HI) là một thành phần tiềm năng để thay thế cho bột cá và dầu cá như một nguồn chuyên cung cấp protein và lipid. Hiệu quả của bột ấu trùng ruồi lính đen trong khẩu phần ăn cũng đã được chứng minh ở nhiều loài thủy sản khác như cá hồi vân, cá chép...
Nuôi lươn là một mô hình phổ biến hiện nay, do hương vị thơm ngon và giá bán lại khá ổn định. Thông thường, khi nuôi lươn sẽ dùng nguồn protein từ giun đất và cần sử dụng trùn quế để làm thức ăn cho lươn hấp dẫn hơn. Các chuyên gia nhận thấy, ruồi lính đen có thể là một nguồn protein và lipid tiềm năng để sử dụng trong thức ăn nuôi lươn.
Sau thử nghiệm thay thế, tỷ lệ tăng trưởng khi cho lươn ăn bột ấu trùng ruồi lính đen tăng đáng kể, FCR cũng thấp hơn nhiều so với khi cho lươn ăn thức ăn chứa bột cá. Cộng thêm hàm lượng lipid thô trong thịt lươn giảm thấp. Tỷ lệ bổ sung ruồi lính đen thích hợp dao động từ 5,26% –15,78%. Các thành phần hoạt tính trong bột ấu trùng ruồi lính đen đã cải thiện hơn hiệu suất tăng trưởng, làm tăng lượng acid béo bão hòa cần thiết cho các phản ứng chuyển hóa và sinh sản của lươn.
Độ cứng, độ dẻo dai, tính kết dính và độ đàn hồi là các chỉ số vật lý được sử dụng để đánh giá kết cấu cơ. Trong thử nghiệm này, độ gắn kết cơ của lươn giảm khi được bổ sung bột ấu trùng ruồi lính đen và độ cứng được tăng lên đáng kể. Những thay đổi này có thể do sự gia tăng đường kính của sợi cơ và sự dày lên của bó cơ. Ngoài ra, hoạt động của enzyme lipase trong ruột lươn tăng lên. Có thể các acid béo có trong bột ấu trùng ruồi lính đen không có lợi cho sự tiêu hóa của lươn, nên chúng tiết ra nhiều lipase hơn để hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất béo. Và nên lưu ý, mức bột ấu trùng ruồi lính đen thấp hơn không có tác hại đối với lươn. Tuy nhiên, khi mức bổ sung này quá cao sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối tới chức năng gan của lươn.
Sự đa dạng và phong phú của cộng đồng vi sinh vật đường ruột tăng lên khi tỷ lệ bột ấu trùng ruồi lính đen ngày càng tăng, điều này có lợi cho việc cân bằng nội môi trong đường ruột. Vi khuẩn gram dương Firmicutes là một trong những nhóm vi khuẩn có số lượng cao nhất trong đường ruột của lươn. Chúng thúc đẩy biểu mô hấp thụ acid béo, dẫn đến tích tụ các giọt lipid trong tế bào ruột và các mô khác. Tuy nhiên việc bổ sung ruồi lính đen trong thức ăn cho lươn làm giảm khả năng hấp thụ ở ruột lươn. Nếu lươn xuất hiện sự mất cân bằng acid béo, có thể làm chúng giảm khả năng tiêu hóa lipid và sử dụng năng lượng.
Tóm lại, khi bổ sung ruồi lính đen vào thức ăn có tác dụng tốt đối với lươn, với mức 15,78% đã cải thiện hiệu suất tăng trưởng và sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Thử nghiệm hiện tại chứng minh, việc thay thế bột cá bằng bột ấu trùng ruồi lính đen trong khẩu phần ăn cho lươn là khả thi. Tuy nhiên sự mất cân bằng acid béo có thể hạn chế sự thay thế này. Vậy nếu tách ruồi lính đen thành bột và dầu đã khử chất béo có thể là một cách tiếp cận tốt hơn, để thay thế bột cá và dầu cá trong thức ăn cho lươn.
References: Hu, Y., Huang, Y., Tang, T., Zhong, L., Chu, W., Dai, Z., … Hu, Y. (2020). Effect of partial black soldier fly (Hermetia illucens L.) larvae meal replacement of fish meal in practical diets on the growth, digestive enzyme and related gene expression for rice field eel (Monopterus albus). Aquaculture Reports, 17, 100345.