Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
So sánh 3 hệ thống ương tôm thẻ chân trắng

So sánh 3 hệ thống ương tôm thẻ chân trắng

Home Tin Tức So sánh 3 hệ thống ương tôm thẻ chân trắng
So sánh 3 hệ thống ương tôm thẻ chân trắng
16/06/2021
42 Lượt xem

Chia sẻ với:

So sánh 3 hệ thống ương tôm thẻ chân trắng

Hệ thống ương trong nhà ngày càng trở nên phổ biến trong nuôi tôm thẻ chân trắng chất lượng cao. Các hệ thống này cung cấp nhiều lợi ích như: Kích thước tôm đồng đều, giảm sự ăn thịt lẫn nhau, giảm thời gian nuôi thương phẩm trong ao, tăng số lần thu hoạch mỗi năm, hiệu quả chuyển đổi thức ăn tốt hơn và tôm nhanh lớn hơn.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ hệ thống nào phù hợp nhất cho các trại ương tôm thẻ trong nhà. Do đó, nghiên cứu này đánh giá và so sánh 3 hệ thống ương tôm thẻ được đánh giá cao là: Tuần hoàn nước sạch (CW-RAS), quang dị dưỡng (PT) và công nghệ biofloc (BFT) về chất lượng nước, hiệu suất tăng trưởng và chi phí sản xuất tôm thẻ ở ba mật độ thả (500, 1000 và 1500 con/m3) trong giai đoạn ương 35 ngày. 

Hệ thống tuần hoàn nước sạch CW-RAS giúp duy trì chất lượng, hệ thống có thể có chi phí khởi động và vận hành cao hơn. Hệ thống quang dị dưỡng PT cho phép tăng trưởng cao với chi phí sản xuất thấp. Hơn nữa, tôm thẻ có sự tăng trưởng và tỷ lệ sống tốt trong hệ thống biofloc BFT, điều này dẫn đến chi phí cao hơn so với hệ thống quang dị dưỡng PT.

1. Chất lượng nước

Nhiệt độ, độ mặn, DO và pH vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được ở tất cả các nghiệm thức đối với sự phát triển của tôm thẻ chân trắng. Nồng độ TAN (tổng ammoniac), nitrit và nitrat ở tất cả các nghiệm thức cũng nằm trong phạm vi an toàn cho tôm thẻ.

Tuy nhiên trong nghiên cứu này, TAN ở nghiệm thức tuần hoàn nước sạch CW-RAS đạt nồng độ trung bình là 1,23 mg/L ở mật độ D1500 cao hơn so với nghiệm thức quang dị dưỡng PT và biofloc BFT. Ở các nghiệm thức quang dị dưỡng PT và biofloc BFT, nồng độ TAN thấp nhất cho thấy ba quá trình loại bỏ TAN đã xảy ra: Loại bỏ quang dưỡng bởi tảo, chuyển đổi bằng vi khuẩn tự dưỡng và chuyển đổi vi khuẩn dị dưỡng trực tiếp thành sinh khối vi sinh vật. 

Trong nghiên cứu của Ray et al. (2017) nhận thấy rằng nồng độ nitrit trong nghiệm thức tuần hoàn nước sạch CW-RAS thấp hơn trong biofloc BFT, như trong nghiên cứu hiện tại. Điều này có thể là do tỷ lệ thay nước cao trong hệ thống tuần hoàn nước sạch CW-RAS so với các hệ thống khác. Nitrat, sản phẩm cuối cùng của quá trình nitrat hóa, được quan sát thấy nồng độ cao nhất trong nghiệm thức tuần hoàn nước sạch CW-RAS và biofloc BFT. Trong hệ thống quang dị dưỡng PT, vi tảo đã giúp giảm nồng độ nitrat do đó hàm lượng nitrat ở nghiệm thức này thấp hơn so với các nghiệm thức còn lại. 

 

2. Hiệu suất tăng trưởng

Tôm thẻ chân trắng lớn hơn đáng kể với tỷ lệ sống cao hơn ở 2 nghiệm thức quang dị dưỡng PT và biofloc BFT so với hệ thống tuần hoàn nước sạch CW-RAS. Đặc biệt, hệ thống biofloc BFT tạo ra sinh khối và sản lượng cao hơn ở mật độ 1500 con/m3 với tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt hơn và hiệu quả sử dụng thức ăn. Đồng thời, hệ số biến động của tôm được quan sát thấy thấp hơn ở nghiệm thức BFT ở tất cả các mật độ.

Trong giai đoạn ương ở nghiên cứu này đã quan sát thấy mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa năng suất tăng trưởng của tôm thẻ và mật độ nuôi. Giá trị FBW, WG, GR và SGR cao hơn ở mật độ 500 con/m3. Giảm sinh trưởng khi mật độ tăng trong giai đoạn ương là do giảm chất lượng nước, năng suất tự nhiên và không gian sống. 

Hệ thống quang dị dưỡng PT và biofloc BFT được cho là có sẵn các vi tảo và vi sinh vật liên quan đến bioflocs - nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm thẻ cao hơn so với hệ thống tuần hoàn nước sạch CW-RAS. Trong nghiên cứu hiện tại, hiệu quả sử dụng thức ăn cao nhất được quan sát thấy trong hệ thống biofloc BFT ở mật độ 500-1.000 con/m3. Hơn nữa, cấy vi tảo trong các hệ thống quang dị dưỡng PT và biofloc BFT trong nghiên cứu này góp phần vào hiệu suất tốt hơn của tôm thẻ chân trắng. 

Trong giai đoạn ương, mật độ nuôi cao có thể làm thay đổi sự không đồng nhất về kích thước của tôm thẻ. Sự đồng đều về kích cỡ vẫn là một khía cạnh quan trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Trong nghiên cứu của chúng tôi, CV-BW( hệ số biến đổi - trọng lượng cơ thể) thấp và thể hiện mô hình: CW-RAS> PT> BFT. Điều này chỉ ra rằng hơn 97,5% tôm thẻ chân trắng trong 35 ngày có trọng lượng tương đối đồng đều trong hệ thống biofloc BFT. Ngoài ra, tỷ lệ sống không bị ảnh hưởng bởi mật độ nuôi.

 

3. Chi phí sản xuất

Việc lựa chọn các hệ thống tuần hoàn nước sạch CW-RAS, quang dị dưỡng PT và biofloc BFT ở cấp độ thương mại, không chỉ coi hiệu quả sản xuất là yếu tố quyết định trong giai đoạn ươm mà còn phân tích các chiến lược quản lý thông qua hiệu quả kinh tế và tối ưu hóa các yếu tố đầu vào với nhằm thu được lợi nhuận tốt nhất.

Trong nghiên cứu này, chi phí của giai đoạn ương dưỡng của các hệ thống CW-RAS, PT và BFT gần giống với giai đoạn ương giống hơn là giai đoạn nuôi thương phẩm, trong đó tỷ lệ chi phí lao động, hậu ấu trùng cao hơn so với chi phí cho ăn và năng lượng. Trong đó, chi phí sản xuất cao nhất được ghi nhận ở hệ thống tuần hoàn nước sạch CW-RAS và thấp nhất đối với hệ thống quang dị dưỡng PT. 

Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng hệ thống quang dị dưỡng PT có thể là một lựa chọn hiệu quả hơn và có lợi hơn so với hệ thống tuần hoàn nước sạch CW-RAR và biofloc BFT để sản xuất tôm thẻ chân trắng trong giai đoạn ương.

Cuối cùng, mật độ thả trong giai đoạn ương tốt nhất là 500 con/m3. Hơn nữa, kết quả cuối cùng cho thấy hệ thống quang dị dưỡng PT có chi phí thấp nhất so với hệ thống CW-RAS và BFT. 

References: Delia Rodríguez-Olague et al. (2021). Effect of nursery system and stocking density to produce juveniles of whiteleg shrimp Litopenaeus vannamei, Elsevier, https://doi.org/10.1016/j.aqrep.2021.100709.

Tìm kiếm