Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Huế: Cơ sở hạ tầng yếu kém khó cho nuôi trồng thủy sản

Huế: Cơ sở hạ tầng yếu kém khó cho nuôi trồng thủy sản

Trang chủ Tin Tức Huế: Cơ sở hạ tầng yếu kém khó cho nuôi trồng thủy sản
Huế: Cơ sở hạ tầng yếu kém khó cho nuôi trồng thủy sản
25/02/2014
39 Lượt xem

Chia sẻ với:

Huế: Cơ sở hạ tầng yếu kém khó cho nuôi trồng thủy sản

Hạ tầng xuống cấp

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi chuyên tôm 1.000 ha. Trước đây, người dân phát triển diện tích nuôi ồ ạt, không có ao xử lý nước thải, hệ thống kênh cấp, thoát nước lại thiếu nên mỗi khi bước vào vụ nuôi ngư dân gặp khó khăn. Do cơ sở hạ tầng ở những vùng nuôi này đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu sử dụng, quá trình nuôi tôm nuôi cũng thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Đơn cử, như năm 2011 toàn tỉnh có hơn 1.000 ha tôm, cá nuôi bị chết do bệnh đầu vàng, đỏ thân, đốm trắng, môi trường và các bệnh khác. Thực trạng trên, một phần do công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, sắp xếp bố trí hợp lý đối tượng nuôi ở các vùng còn chậm, sự chỉ đạo còn thiếu kiên quyết và chưa kịp thời. 

Thực tế cho thấy, hiện hầu hết các ao hồ nuôi tôm cao triều đầm phá phần lớn không có ao lắng nên mỗi khi lấy nước vào hồ người nuôi đều lấy trực tiếp từ đầm phá và ngược lại khi thải nước ở hồ nuôi tôm ra thì cũng thải trực tiếp ra đầm phá. Hậu quả nguồn nước ở đầm phá không đảm chất lượng, người nuôi lấy thẳng vào hồ dẫn đến tôm nuôi xảy ra bệnh. Nguyễn Cửu Lộc, nuôi tôm ở xã Phú Xuân (Phú Vang) cho hay gia đình anh nuôi tôm 10 năm nay. Trước đây bà con phát triển hồ nuôi ồ ạt, mạnh ai nấy làm, không có quy hoạch ao hồ nuôi cụ thể. Giờ đây, các ao hồ nuôi san sát nhau, không có ao lắng, xử lý nước thải nên gặp không ít khó khăn mỗi khi bước vào vụ nuôi. Vì thế nên bà con mong muốn Nhà nước sớm quy hoạch lại vùng nuôi cho phù hợp. Tương tự, hộ nuôi tôm Nguyễn Diện ở xã Phú Xuân cho biết: “Hiện nay, các vùng nuôi tôm đều không có ao lắng, xử lý nước thải, kênh cấp thoát nước cũng bị xuống cấp trầm trọng, nên mấy năm nay tôm nuôi thường xuyên bị chết do bệnh môi trường. Để nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tui mong muốn Nhà nước quy hoạch vùng nuôi theo hướng hợp lý trong thời gian sớm nhất”.

 Thời gian qua, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân Ngũ Điền mở rộng diện tích nuôi tôm ồ ạt không theo quy hoạch. Do thiếu vốn hầu hết các hộ nuôi chỉ đào hồ nuôi chứ không đầu tư hồ xử lý nước thải, nên họ đều xả nước thải ra biển. Trong lúc đó, các công ty lấy nước biển vào, mặc dù có hồ chứa nước để xử lý sau đó mới đưa nước vào hồ nuôi, nhưng khi tôm nuôi bị chết, nguồn nước bị nhiễm vi rút không thể xử lý được- ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm trên cát nhận xét.

 Cấp bách

 Hiện nay, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương các cấp rà soát vùng nuôi. Vùng nào chưa thực hiện đúng theo quy hoạch buộc người nuôi phải quy hoạch lại phù hợp với tình hình nuôi mới. Theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên cát ở huyện Phong Điền đến năm 2020 là 900 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm gần 500 ha, diện tích còn lại xây dựng đê bao, ao xử lý nước cấp và thoát, trồng rừng phòng hộ ven biển.... Đối với vùng nuôi trồng thủy sản đầm phá cần phải giải tỏa 300 ha ao nuôi hạ triều; trong đó, Rú Chá (Hương Trà) 10 ha; phá Tam Giang của hai huyện Quảng Điền và Hương Trà 90 ha; đầm Sam Chuồn - Thủy Tú (Phú Vang) 80 ha và đầm Cầu Hai (Phú Lộc) 120 ha; giải tỏa 237 ha nuôi tôm chắn sáo và chuyển 308 ha nuôi chắn sáo sang nuôi sinh thái kết hợp phục vụ du lịch. Trước đây, ao hồ nuôi trồng thủy sản ở huyện Phú Lộc, Phú Vang và Quảng Điền được ngư dân nuôi tự phát, không có hệ thống kênh mương cấp thoát nước, điện, đường... nên tôm nuôi dễ xảy ra bệnh.

 Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đây là cơ hội mới để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con ở vùng ven biển và đầm phá.... Tuy nhiên, khó khăn về vốn nên đến nay công tác quy hoạch vẫn chưa thực hiện được”.

 Đơn cử, như ở vùng nuôi tôm cao triều Quảng Công - Hải Dương (Quảng Điền - Hương Trà) được Nhà nước đầu tư bài bản hệ thống kênh mương cấp thoát nước, ao chứa, ao xử lý nước thải… nên năm nào nuôi trồng thủy sản ở đây cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Trần Văn Chương, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá cao triều Quảng Công vui mừng: Trước đây, ở vùng nuôi tôm cao triều này hạ tầng xuống cấp nên nuôi tôm, cá năm nào cũng bị bệnh và kém hiệu quả. Ba năm nay, được nhà nước đầu tư đầy đủ hệ thống kênh mương cấp thoát nước, trạm bơm, ao chứa, xử lý nước nước thải…, vụ nuôi năm nào cũng cho hiệu quả cao, bà con an tâm mỗi khi mùa vụ đến.

 Để nuôi trồng thủy sản an toàn và hiệu quả, các cơ quan chức năng cần xem xét việc gì cần làm và nên làm, đồng thời cấp vốn để công tác quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản được thực hiện trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, các địa phương cấp huyện triển khai rà soát điều chỉnh và bổ sung quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản của địa phương mình; lập các dự án để cụ thể hóa định hướng quy hoạch; ban hành các quy định chi tiết để tổ chức và cá nhân cần thực hiện đúng quy hoạch, tổ chức cắm mốc và giải tỏa các diện tích vi phạm quy hoạch được duyệt; xây dựng hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch nuôi trồng thủy sản và quy chế quản lý các vùng nuôi tập trung, tổ chức công bố các quy chế để các tổ chức, cá nhân tuân thủ thực hiện. 

Theo Thừa Thiên Huế

Tìm kiếm