Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, từ năm 2015, tổng cục được Bộ NN&PTNT giao triển khai Đề án thí điểm hải quan một cửa quốc gia, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng cục Hải quan xây dựng kế hoạch chi tiết nội bộ cũng như đào tạo áp dụng hệ thống cơ chế một cửa quốc gia (NSW) đối với thủ tục hành chính (TTHC) “Đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng thức ăn thủy sản nhập khẩu”.
Tháng 9/2015, hệ thống đã bước đầu được vận hành, tiến hành tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tiếp trên hệ thống.
Từ ngày 1/6/2016, hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản nhập khẩu được doanh nghiệp đăng ký; Tổng cục Thủy sản tiếp nhận và giải quyết trên NSW.
Năm 2017, tổng cục tiếp tục triển khai mở rộng NSW (giai đoạn II) đối với TTHC “Kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản nhập khẩu (bao gồm cả chế phẩm sinh học, vi sinh vật, khoáng chất, hóa chất trừ hóa chất có công dụng sát trùng, khử trùng, tiêu độc”.
Từ ngày 1/01/2020 các quy định pháp luật về kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có sự thay đổi. Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm - Tổng cục Thủy sản) được giao thực hiện nhiệm vụ nâng cấp phần mềm quy trình thủ tục kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản nhập khẩu thành quy trình “Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu” phù hợp quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các quy định hiện hành.
Đến nay phần mềm cơ bản hoàn thành, đã chạy demo và đang tiếp tục hoàn thiện sớm đưa vào áp dụng. Tổng cục đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, Viettel thống nhất các yêu cầu kỹ thuật để kết nối hệ thống xử lý nghiệp vụ tại Tổng cục Thủy sản với NSW.
Bên cạnh đó, một số nội dung khác như tập huấn ứng dụng phần mềm nâng cấp sẽ được triển khai trong thời gian cuối tháng 12/2020 đến nửa đầu tháng 1/2021.
Như vậy, từ năm 2015 đến nay, Tổng cục Thủy sản đã tiếp nhận và giải quyết 11.466 hồ sơ lên NSW. Cụ thể, năm 2015, tiếp nhận 104 bộ; năm 2016, tiếp nhận 1.071 bộ; năm 2017: 1.925 bộ hồ sơ; năm 2018: 3.091 bộ hồ sơ; năm 2019: 1.781 bộ hồ sơ; năm 2020: 2.934 bộ hồ sơ.
Theo Tổng cục Thủy sản, thực hiện TTHC trên NSW giúp doanh nghiệp đăng ký hồ sơ kiểm tra dễ dàng, thuận tiện với những thao tác đơn giản và thực sự mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian và giảm chi phí gửi, nhận kết quả qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan kiểm tra.
Thời gian cho việc đăng ký hồ sơ kiểm tra đã giảm tới 50% so với phương thức truyền thống, hầu hết hồ sơ đăng ký kiểm tra được xử lý trong ngày, tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu mở tờ khai hải quan, đưa hàng về kho của doanh nghiệp bảo quản chờ kiểm tra chuyên ngành.
Đối với cơ quan kiểm tra, việc áp dụng giải quyết TTHC trên NSW giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan kiểm tra; cắt giảm được một số thủ tục do hệ thống đã tự động hóa một số khâu công việc; linh hoạt, thuận lợi và chủ động hơn trong thực hiện công việc, nhất là đối với vị trí việc làm thường xuyên đi công tác.
Đặc biệt, thực hiện NSW đã góp phần công khai, minh bạch mọi hoạt động của công chức, viên chức và cơ quan, đơn vị tham gia vào hoạt động kiểm tra này; thay đổi rõ nét nhận thức, tác phong làm việc của công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp. Việc xử lý TTHC có thể thực hiện 24h/7 ngày, ở bất kỳ đâu có kết nối mạng, chuyển đổi hẳn nhận thức ngày xử lý TTHC là ngày làm việc như trước đây theo cách làm truyền thống, góp phần hiện đại hóa công sở, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.