Ngày 1/9/2021, Tổng cục thuỷ sản phối hợp với Trung tâm ICAFIS – Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã tổ chức “Diễn Đàn Tôm Việt 2021 - Online - Giải Pháp Tháo Gỡ Khó Khăn Ngành Tôm Trong Tình Hình Dịch Bệnh Covid 19” nhằm nhanh chóng tìm ra giải pháp giúp ổn định sản xuất, nắm bắt các cơ hội thị trường, đặc biệt khắc phục hậu quả do Covid -19 gây ra.
Người nuôi nên tiếp tục thả giống, nuôi tôm về size lớn
Theo thống kê, hàng năm ngành thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Thuỷ sản là một trong 5 ngành có giá trị xuất khẩu đứng đầu toàn quốc, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường 164 quốc gia trên thế giới, trong đó tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng - chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm... Năm 2020, nhờ thành công trong việc kiểm soát Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nguồn cung đối thủ, xuất khẩu tôm đạt 3,7 tỷ USD (VASEP).
Tuy hiện nay, trước diễn biến phức tạp của Covid-19 từ nửa đầu năm 2021 đến nay tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và tiêu thụ trong nước của Việt Nam gặp nhiều khó khăn tồn tại nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tôm, nhưng các dự báo trong giai đoạn sắp tới rất khả quan.
Người nuôi nên tiếp tục thả giống, thả mật độ thưa, tuỳ thuộc vào từng mô hình và điều kiện nuôi của mình. Nuôi tôm về size lớn, hiện nay nhu cầu tôm xuất khẩu size từ 30-40con/kg rất lớn. Thu tôm rơi vào thời gian từ nay đến trước 30/11 sẽ xuất đi thị trường Châu Âu, Mỹ để đón dịp Noel, được giá tốt, nếu thu tôm sau thời gian này sẽ xuất đi thị trường Châu Á.
Một số giải pháp trọng tâm
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nước lợ nói riêng, không để gián đoạn hoạt động sản xuất, đảm bảo kế hoạch phát triển sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2021, cần triển khai một số giải pháp cụ thể sau:
Các cơ quan chức năng, chuyên môn, nghiên cứu tăng cường hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, quản lý môi trường, dịch bệnh để có quy trình nuôi phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Thời điểm này thấy rất rõ vai trò và tính ưu việt của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và các chuỗi liên kết. Đối với các cơ sở, hộ nuôi chưa tham gia chuỗi liên kết cần được thông tin, hướng dẫn để tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn.
Đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch. Đồng thời kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi.
Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu; ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi. Cần có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương lái tổ chức thu tôm, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào nhằm tạo điều kiện cho người dân bán sản phẩm và tiếp tục tái sản xuất.
Kêu gọi các nhà sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản hỗ trợ người nuôi, không được nhân cơ hội này để nâng giá sản phẩm. Ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như tài xế vận chuyển, thương lái thu mua, công nhân thu hoạch thủy sản và công nhân của các nhà máy chế biến thủy sản.
Đồng thời trong bối cảnh các nước trên thế giới hiện cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm. Vì vậy, cần tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022.