Giá tôm đang lăm le lập đỉnh vào cuối năm, nhưng dịch bệnh trên tôm đang hoành hành ở Long An, khiến hàng trăm ha ao nuôi tôm thiệt hại.
Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Cần Đước, tỉnh Long An, thì huyện này đang có hơn 340ha ao nuôi tôm bị thiệt hại, chiếm gần 20% tổng diện tích thả nuôi.
Hàng trăm ha ao tôm bị thiệt hại…
Hiện, huyện Cần Đước (Long An) có hơn 1.400 ha ao nuôi tôm sú. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi tại đây vẫn chưa được khống chế triệt để. Các loại bệnh nguy hiểm trên tôm như: hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng… xảy ra liên tục, hầu hết tại các vùng nuôi với mật độ thấp.
Ông Nguyễn Văn Đông (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước), một hộ nuôi tôm cho biết, thời gian qua thời tiết thất thường đã làm biến động các yếu tố môi trường ao nuôi, tạo điều kiện cho các mầm bệnh xuất hiện, khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt.
"Vụ rồi, tôi bị thiệt hại hơn 1ha ao tôm và lỗ cả trăm triệu đồng", ông Đông thổ lộ.
Tại huyện Tân Trụ cũng có hơn 20ha ao tôm bị thiệt hại, do sốc môi trường và bệnh đốm trắng, gan tụy cấp.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Trụ Đặng Văn Tây Lo - cho biết: Nhìn chung, việc nuôi tôm năm nay gặp khá nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường và dịch bệnh trên tôm lây lan.
Theo thống kê của Phòng NNPNT huyện Tân Trụ, hiện diện tích ao nuôi tôm trên địa bàn huyện này hơn 100ha.
Vụ tôm năm 2020, nông dân huyện Cần Giuộc thả nuôi hơn 2.100 ha tôm, giảm hơn 670ha so với cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá tôm thương phẩm giảm, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp.
Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, đến nay tỉnh đã thả nuôi hơn 5.400ha ao tôm nước lợ. Từ đầu năm đến nay, diện tích ao nuôi tôm bị thiệt hại lên đến hàng trăm ha.
Vừa qua, làm việc với UBND huyện Cần Đước về việc phát triển tôm nước lợ đến năm 2025, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh đã yêu cầu huyện này ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường ao nuôi và quản lý sức khỏe tôm nuôi.
Giá tôm đang tăng mạnh, dự báo lập đỉnh
Theo một số thương lái thu mua tôm cho biết, giá tôm đang tăng mạnh trong những ngày qua. Đó là do thị trường tiêu dùng tăng mạnh, nhất là thị trường trong nước, đặc biệt là đối với loại tôm sú oxy.
Cùng với đó, thị trường xuất khẩu cuối năm đang có chiều hướng bình ổn trở lại, nhất là các nước đang nhập hàng hóa phục vụ thị trường Giáng sinh, cuối năm, Tết…
Mặt khác, nguồn tôm nguyên liệu trong nước đang giảm mạnh, nguồn cung hạn chế, đã tác động đến việc giá tôm tăng trong những ngày qua.
Theo anh Lê Minh, một thương lái thu mua tôm ở Long An, trước tình hình tôm nuôi đang ảnh hưởng do dịch bệnh, khả năng nguồn cung khó cung cấp đủ cầu thị trường tiêu dùng cuối năm, nên khả năng giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và ổn định trong thời gian tới.
"Khả năng cuối năm nay có thể giá tôm sẽ lập đỉnh", anh Minh dự đoán.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức cao, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung giảm. Bên cạnh đó, các nhà máy cũng điều chỉnh giá mua để phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 10/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 431 triệu USD.