Cá vược sọc (Morone saxatilis) đã được nuôi trồng ở Hoa Kỳ trong hơn một thế kỷ qua bằng phương pháp sinh sản tự nhiên và thông qua sinh sản nhân tạo kể từ những năm 1960. Tuy nhiên, sự ra đời của giống cá vược lai - kết hợp tốc độ tăng trưởng nhanh của cá vược sọc (Morone saxatilis) với khả năng chống chịu nhiệt độ cao, mức oxy thấp của cá vược trắng (Morone chrysops) đã thúc đẩy việc mở rộng nuôi trồng loài cá lai này. Việc nuôi cá vược lai bắt đầu ở Hoa Kỳ vào những năm 1970 và vào năm 1973, cơ sở sản xuất cá vược sọc lai thương mại đầu tiên được thành lập. Đến năm 1980, một số trang trại đã đi vào hoạt động và năm 2000, sản lượng hàng năm đạt 5000 tấn. Sản xuất ở châu Á bắt đầu vào năm 1996, tiếp theo là châu Âu vào năm 2004.
Có hai dòng cá lai khác nhau được tạo ra bằng cách thay đổi lựa chọn cá cái (cá vược sọc hoặc cá vược trắng). Ấu trùng cá vược lai nở ra từ cá vược sọc cái lớn hơn, dễ nuôi hơn nhưng thời gian trưởng thành lâu (~5 năm) và không thích hợp cho quá trình sinh sản, ấp trứng khi trưởng thành. Vì vậy, nhiều trại giống vẫn ưu tiên lựa chọn phương pháp lai cá vược trắng cái (Morone chrysops) với cá vược sọc đực (Morone saxatilis).
Một yêu cầu thiết yếu trong hoạt động nuôi ấu trùng là khả năng theo dõi sự phát triển của ấu trùng và xác định những sai lệch so với quỹ đạo phát triển bình thường. Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng kinh tế ngày càng tăng của chúng, vẫn chưa có một mô tả chi tiết về sự phát triển của ấu trùng cá vược lai trong điều kiện nuôi nhốt. Do đó, nghiên cứu được thực hiện để đáp ứng nhu cầu này, chụp ảnh, phân tích ấu trùng cá vược lai từ khi nở đến ngày 43 cung cấp những mô tả chi tiết về sự chuyển đổi giữa các giai đoạn và nghiên cứu các đặc điểm hình thái phát triển trong trại giống thực nghiệm.
Kết quả nghiên cứu đã xác định 15 giai đoạn phát triển riêng biệt bằng cách quan sát ghi nhận các đặc điểm mới của ấu trùng. Đáng chú ý là có thể nhận thấy có hai giai đoạn chính, trong đó ấu trùng cá vược lai có được phần lớn các đặc điểm mới từ khi nở đến khi cho ăn lần đầu (giai đoạn A đến E ) và trong quá trình biến thái (giai đoạn H đến K). Ngoài hai giai đoạn này, ấu trùng có ít thay đổi xảy ra hơn.