Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Mối quan hệ giữa acid mật và sức khỏe đường ruột tôm sú

Mối quan hệ giữa acid mật và sức khỏe đường ruột tôm sú

Trang chủ Tin Tức Mối quan hệ giữa acid mật và sức khỏe đường ruột tôm sú
Mối quan hệ giữa acid mật và sức khỏe đường ruột tôm sú
10/12/2021
57 Lượt xem

Chia sẻ với:

Mối quan hệ giữa acid mật và sức khỏe đường ruột tôm sú

Tôm sú (Penaeus monodon) là một trong những loài tôm được nuôi rộng rãi nhất trên thế giới với sản lượng hàng năm đạt trên 750.000 tấn.

Tuy nhiên, việc thay thế bột cá trong khẩu phần của tôm sú so với tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) vẫn ít được chú ý đến. Thêm vào đó, do giá thành thấp và sản lượng lớn, protein thực vật đã và có thể sẽ tiếp tục là lựa chọn chính để thay thế bột cá.

 Điển hình trong số đó là protein đậu nành cô đặc đã được sử dụng rộng rãi trong thức ăn thủy sản. Có nghiên cứu cho rằng hàm lượng bột cá có thể được thay thế bằng protein đậu nành cô đặc (giảm từ 35% xuống 17,5%) mà không ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất sinh trưởng của tôm sú. Ngược lại, một báo cáo khác chỉ ra rằng lượng bột cá trong thức ăn nếu thấp hơn 24% sẽ làm giảm sự tăng trọng của tôm sú. Các kết quả khác nhau có thể là do sự khác biệt về môi trường (chẳng hạn như chất lượng nước) và chủng loại tôm được sử dụng để thí nghiệm.

Quá trình chuyển hóa axit mật chủ yếu được tổng hợp ở gan từ cholesterol đóng vai trò quan trọng trong bài tiết mật, tiêu hóa đường ruột, hấp thụ lipid, các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo đồng thời cũng là một phân tử tín hiệu quan trọng trong việc điều chỉnh sự trao đổi chất và phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa axit mật ở động vật thủy sản thường bị suy giảm, rối loạn khi bột cá được thay thế bằng protein thực vật. Nghiên cứu mới nhất cho thấy axit mật dường như là một chất điều chỉnh chính của hệ vi sinh vật đường ruột và có những mối liên hệ vững chắc giữa axit mật, hệ vi sinh vật đường ruột và sức khỏe vật chủ.

Một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh sự hiện diện của axit mật trong gan tụy và dạ dày của tôm đồng thời cũng cho thấy rằng việc bổ sung axit mật trong chế độ ăn đã cải thiện sự tăng trưởng ở cua. Axit mật chủ yếu bao gồm axit cholic (CA), axit deoxycholic (DCA), axit chenodeoxycholic (CDCA) và các dẫn xuất. Axit chenodeoxycholic (CDCA) là một axit mật có thể được tách ra từ mật của động vật, có khả năng điều chỉnh sự chuyển hóa lipid, phản ứng miễn dịch, thúc đẩy tăng trưởng ở động vật thủy sản. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích điều tra việc bổ sung axit chenodeoxycholic trong chế độ ăn có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và sức khỏe đường ruột của tôm sú (P. monodon) trong chế độ ăn ít bột cá.

 

Tôm sú từ một trại giống địa phương sau khi thích nghi trong 3 tuần được cho ăn theo ba chế độ lần lượt là: (1) chế độ ăn có hàm lượng bột cá cao 25%, (2) chế độ ăn có hàm lượng bột cá thấp 15% và (3) chế độ ăn có hàm lượng bột cá thấp 15% + 0,1% axit chenodeoxycholic. Bột cá trong chế độ ăn (2) và (3) được thay thế bằng protein đậu nành cô đặc. Khi kết thúc thử nghiệm, tôm từ mỗi bể được cân, đếm và lấy mẫu để tiến hành phân tích.

Các kết quả hiện tại chỉ ra rằng sau khi bột cá được thay thế bằng protein đậu nành cô đặc (giảm từ 25% xuống 15%) thì năng suất tăng trưởng và khả năng sử dụng thức ăn của tôm sú đều giảm. Chế độ ăn ít bột cá gây ra tổn thương đường ruột, làm suy giảm nếp gấp của ruột, lưới nội chất của tế bào biểu mô ruột bị sưng lên. Việc bổ sung axit chenodeoxycholic trong chế độ ăn đã làm giảm bớt vấn đề này đồng thời tăng cường khả năng chống oxy hóa của tôm. Ngoài ra, bổ sung axit chenodeoxycholic trong chế độ ăn ít bột cá làm tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột, giảm mật độ vi khuẩn gây bệnh (Vibrio) và có những ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng của tôm sú.

Nhìn chung, những kết quả từ nghiên cứu này chỉ ra rằng việc bổ sung axit chenodeoxycholic (CDCA) vào chế độ ăn ít bột cá đã cải thiện năng suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và sức khỏe đường ruột của tôm.

Tìm kiếm